Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2010

Tuần 4,tháng 2.


Gặp lại lũ gà con sau nửa tháng nghỉ tết Nguyên đán.Ôi chao là sầu!

Trở lại cái chuồng nhỏ quen thuộc,nghe ầm ầm tiếng quang quác,đứa nào đứa nấy đều hớn hở cầm một phong bao màu đỏ định biếu bố nó đây mà!Ừ,đa tạ mấy con nha!



Phân phối lì xì cho mấy con chip chip.Hí hửng ra mặt.Cuộc chơi nào cũng có người thắng kẻ thua,và bạn Trâm “thua” đậm nhất,khiến bao nhiêu là con mắt dồn vào bạn ước ao thèm khát.


Năm nay các con sẽ gặp hên,tau bảo đảm.Ngày đầu năm khai sổ điểm đã được “cống hiến” những tràng cười vô tận từ mấy đứa họ Chế.Thơ mới như vậy mà đọc thấy ghê!

Thứ 3.
Mấy quan giúp việc không lên lớp được,để ông Vua đứng lớp.Trả bài mệt nghỉ luôn.Sao tụi này khao khát được trả bài lắm thế?Nhìn người ta được trả bài mà ánh mắt của nó dậy lên bao ngưỡng mộ,ước ao!


Nhớ chuẩn bị ngân lượng cho buổi đấu giá Từ ái lần II vào tuần sau.Ai muốn đóng góp hiện vật thì đăng kí trước thứ 4.


Thứ 4.
H5N1 phát tán mạnh quá!Đàn gà uể oải,có vẻ mệt mỏi.Thôi rồi!Vi-rút “Chưa soạn bài” và vi khuẩn “Tết vẫn còn” đã lây lan rộng khắp 11A2!Bi kịch!



Thứ 5.
Tổ chức sinh nhật cho mấy đứa tháng 2.

Được xem một đoạn clip nhiều ý nghĩa và xúc động. Chúc các con có nhiều sức khoẻ,đạt được những gì mình mơ ước.

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010

Hạ nêu


Mùng 7 là lễ Khai hạ còn gọi là hạ nêu. Sau ngày này, mọi việc trở lại như trước Tết.

Đã hết dịp ăn chơi giờ là thời cơ để học tập.

Lì xì lớn nhất trong năm con cọp đâ....ê.êy!

1.Công việc đầu năm:
- Tổ 2: lo việc trực nhật ngày đầu năm (mỗi tổ viên có mặt lúc 6g40, đem theo một giẻ lau bàn. Tổ trưởng đốc thúc các bạn làm việc trong 5 phút rồi xuống chào cờ)
- Mỹ Hồng kiểm tra công việc vệ sinh trên lớp, chuẩn bị bàn GV, phấn, bông lau bảng, micro...
- Bạn Việt lo so hàng dưới sân.
- Thầy Biên kiểm tra trên lớp.

2.Sinh hoạt đầu năm:
- Chúc Tết, lì xì (cho thầy Djinh)
- Sinh hoạt chủ nhiệm đầu năm.

3.Câu hỏi đầu năm:
- Kề tên 4 nhân vật nổi tiếng người Việt có tên Hổ.
- Kể tên các Hổ tướng.
- Tìm thành ngữ, tục ngữ về ông ba mươi.

4. Tiết văn đầu năm: sáng thứ hai, tiết 2, có khảo 3 bài thơ đã dặn.

5.Sinh nhật đầu năm: chiều thứ tư, tiết 4, sinh nhật tháng 2 (sáng thứ 5 học văn cả 3 tiết)

6. Bài kiểm tra tập trung đầu năm: sáng thứ sáu, tiết 3,4. (không loại trừ kiểm tra 15' rải rác trước đó).

7. Linh tinh đầu năm: nhớ gì nữa dặn dò sau.

8. Kỷ luật đầu năm: ai vi phạm sẽ biết "Shere Khan" như thế nào?

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

Là khi...

Là khi ....

… những cành mai trơ lá quạnh quẽ ngày cuối đông nghe con gió chướng trở về gọi mùa để sân trường ồn ào rộn rã trở thành nơi bà Đanh ngự trị cửa vòm tịch mịch gầy khô mấy nhánh thèm là nơi bọn khỉ nhỏ tụ hội mái sương run rẩy vài cành mơ màng tiếng lũ gà con quang quác đâu đây

Ai cho tôi cho tình yêu

Là khi ...

... những lá cờ muôn sắc của chúng sinh tắm mình trong nắng cháy treo mình vào gió lộng đẫm cái thỏa thích từ hơi con trẻ muốn vẫy vùng thoát khỏi kiếp giam cầm của vườn địa ngục thoát khỏi cái điệp khúc dịu dàng ngủ đi nào! ngủ đi thoát khỏi cái chòi chòi đạp đạp không ngủ được vì thao thức ban trưa của bọn người bán trú

Đẹp hơn cả trụ sở Liên hiệp quốc



Là khi ...
… lũ nắng chiều vàng chín len qua khung trời mộng ước gieo người sóng soài nằm vật vã tư lự nhìn thằng máy chiếu không được thấy nụ cười thỏa thuê chửi bọn loa rè chẳng nghe tiếng rú ghế chỏng chờ cô chủ nhỏ bàn trơ đợi cậu cả về trét miếng sing-gum đổ chai nước ngọt không thấy đời thường không thấy tóc bay bay vơ vẩn từng lọn không thấy nhung nhúc rác



ghế chỏng bàn trơ, nỗi nhớ niềm



Là khi …
… hoàng tử gió gài then công chúa sương khóa cửa đuổi lão hoàng thượng ác nhân ô cửa kính buông mình cả hai bờ yên ả đầu này hàng hiên trống vắng đầu kia bậc thang im lìm ở hai đầu hun hút bâng khuâng lời than thở nóng gì nóng khiếp so hàng hoài chán thấy hoàng hậu luôn

Quan bế niêm phong, tương liên tư

````````` ~~~~~~ ````````

lời xỉ vả còn nhiều tiếng mắng chửi chưa dứt trò hành hạ thiếu chi cơn thịnh nộ sẵn sàng đã vội khép động tiên ngơ ngẩn trở về thân ta chơi tết tay ta chơi bài hồn ta chơi vơi




Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

Mùng 5 Tết Quang Trung

Chân dung 1
… Bắc Bình Vương lấy làm phải, bèn cho đắp đàn ở trên núi Bân, tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi; chế ra áo cổn mũ miện, lên ngôi hoàng đế, đổi năm thứ 11 niên hiệu Thái Đức của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu niên hiệu Quang Trung. Lễ xong, hạ lệnh xuất quân, hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng chạp năm Mậu thân (1788).
… Vua Quang Trung tự mình đốc suất đại binh, cả thuỷ lẫn bộ cùng ra đi. Ngày 29 đến Nghệ An, vua Quang Trung cho vời người cống sĩ ở huyện La Sơn là Nguyễn Thiếp vào dinh […]
… Hôm sau, vua Quang Trung hạ lệnh tiến quân. Các quân đều nghiêm chỉnh đội ngũ mà đi.
…. Vua Quang Trung bèn sai mở tiệc khao quân, chia quân sĩ ra làm năm đạo, hôm đó là ngày 30 tháng chạp. Rồi nhà vua bảo kín với các tướng rằng: - Ta với các ngươi hãy tạm sửa lễ cúng Tết trước đã. Đến tối 30 Tết lập tức lên đường, hẹn đến ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Các ngươi nhớ lấy, đừng cho là ta nói khoác!
… Cả năm đạo quân đều lạy vâng mệnh lệnh, đúng ngày, gióng trống lên đường ra Bắc.
… Nửa đêm ngày mồng 3 tháng giêng, năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung tới làng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc,
… vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc, mờ sáng ngày mồng 5 tiến sát đồn Ngọc Hồi.
… Giữa trưa hôm ấy vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành

- --> Với quan điểm lịch sử đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh…..(Ngữ văn 9, tập 1, trang 72)

Chân dung 2

… Người hiền xuất hiện ở đời, thì cũng như ngôi sao sáng trên trời cao. Sao sáng ắt phải chầu về ngôi Bắc Thần, người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử. Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền vậy.
… Nay trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, ngày đêm mong mỏi, nhưng những người học rộng tài cao chưa thấy có ai tìm đến. Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng? Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng?
… Trẫm nơm nớp lo lắng ngày một, ngày hai vạn sự nảy sinh. Nghĩ cho kỹ thì thấy rằng: một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn, mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình.
--> Chủ trương chiến lược của vua Quang Trung trong việc tập hợp người hiền tài. (Ngữ văn 11, tập 1, trang 68)


Chân dung 3
… Nghe trước có đấng vương Thang, Võ,
Công nghiệp nhiều, tuổi thọ thêm cao;
Mà nay áo vải, cờ đào,
Giúp dân, dựng nước biết bao công trình!
Nghe rành rành trước vua Nghiêu, Thuấn,
Công đức dày, ngự vận càng lâu;
Mà này lượng cả, ơn sâu,
Móc mưa rưới khắp chín châu đượm nhuần.
Công dường ấy mà nhân dường ấy,
Cõi thọ sao hẹp bấy hóa công?...

(Ai tư vãn, công chúa Lê Ngọc Hân, Bắc Cung hoàng hậu)

Năm 1786, Nguyễn Huệ ra bắc lần thứ nhất. Ngọc Hân - 16 tuổi, là con gái thứ 21 của vua Lê Hiến Tông - được gả cho Bắc Bình Vương, 33 tuổi, để bang giao Nam Bắc. Chỗ này trong Việt sử toàn thư, Phạm Văn Sơn có lời bình: “Thời nào người đàn bà cũng đóng những vai trò hết sức quan trọng để giả quyết những nỗi khó khăn trong tình thế đặc biệt. Ở đây người ta mượn nụ cười của giai nhân để đè bẹp ngọn lửa giận của Tây Sơn có thể đốt cháy cả Bắc hà bấy giờ".




Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

Hôm nay ngày 17

Từ lúc mẹ nó dẫn vào chúc Tết ông thầy, hỏi gì nó cũng chỉ trả lời tới con số 10 mà thôi.
- Một bữa con ăn mấy chén cơm? _ 10 chén!
- Một ngày ba Châu nhậu mấy lần? _ 10 lần!
- Con quậy bị ba Châu đánh mấy roi? _ 10 roi luôn!
Loay choay thế nào mà nó leo lên ghế, đứng dậy với tờ lịch trên cao.
- Hôm nay ngày 17 mà! _ Lời nói vô tư dễ thương của thằng cu Ben làm tôi giật mình. Mà đúng thật, tôi chưa xé lịch, tờ lịch ngày 16 vẫn còn trên lốc. Sao thằng nhỏ đang học lớp mầm lại tình cờ nhắc đúng ngày 17/2 này?

***

- Năm 938 có sự kiện gì? _ Dạ em biết nè! Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt 1.000 năm đô hộ của giặc Tàu, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ …
- Giỏi! Em ngồi xuống, cám ơn em!
- Lý Thường Kiệt đánh thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt vào năm nào? _ Dạ 1076!
- Cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi kết thúc vào năm nào ? _ Dạ 1428 với Bình Ngô đại cáo ạ!
- Vua Quang Trung chiến thắng 29 vạn quân Thanh vào mùng 5 Tết nào? _ Dạ, Kỷ Dậu 1789.
- …
- Ngày Toàn quốc kháng chiến chống Pháp? _ 19/ 12/ 1946!
- Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Bác Hồ? _ 17/ 07/ 1966, với câu nói nổi tiếng “Không có gì quí hơn độc lập, tự do!”
- 30/ 04 …? _ Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước!
- Thế còn ngày 17/ 02 … ?
- Dạ, ….. em không biết!

Những lời đối thoại trên không phải trong một gameshow. Nó xảy ra trong các cuộc chuyện trò giữa tui và bọn trẻ. Bao nhiêu năm qua, vẫn không có đứa học trò nào trả lời được câu hỏi cuối cùng. Và cả những giáo sinh khoa sử, thực tập hai năm nay, cũng không trả lời được. Bởi vì có ai nói cho chúng biết đâu? Buồn thay những cuộc thi theo kiểu “Tự hào sử Việt”, buồn thay cho những “tấm lòng yêu nước thầm kín” và tội nghiệp thay cho một nền giáo dục!

Mùng một Tết cha, mùng ba Tết gì?

Mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy
Mồng một ăn tết nhà cha/ Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy.


Thật ra, trong hoàn cảnh xã hội hiện nay thì việc thăm hỏi ngày Tết không cần phải câu nệ đúng ngày giờ mà chủ yếu ở tình chân, nghĩa trọng với nhau.

***

Hồi còn đi học, tui thường theo tụi bạn đến thăm thầy cô vào những ngày Tết. Lớp 4 là nhà cô Hương ở đối diện trường Nguyễn Văn Trỗi. Lớp 5 thì xuôi đường 26-3 xuống chợ Xóm Mới là nhà thầy Hoành. Lớp 6-7 thì ngược Nguyễn Văn Nghi tới nhà cô Bông ở chợ Gò Vấp. Còn lớp 8-9 là nhà cô Hoa ở đối diện cổng mới bệnh viện 175. Tới năm lớp 10 thì sang quận 3 thăm thầy Đào Xuân Văn ở đường Trần Quang Diệu. Ban đầu thì cũng đi vào ngày mùng ba Tết cho đúng lễ nhưng dần dà tụi tui đã chuyển qua ngày khác để tiện hơn. Lý do đơn giản là tụi nhóc chúng tui không dám “giành” thầy cô với các sư huynh sư tỷ khóa trước. Có lần còn bị mấy anh lớn xếp chỗ cho ngồi ngoài hàng hiên cắn hạt dưa cả buổi mới đến lượt vào chầu. Từ đó trở đi, tụi tui không thăm thầy cô vào ngày mùng ba Tết nữa. Vì Tết thì không thể ngồi lì được với những đứa vốn nhiều chuyện như bọn học trò. Người đầu tiên đề nghị đi ngày khác chính là thằng Nhân. Nhà nó ở bên An Phú Đông, mỗi lần qua An Nhơn học nó phải lội bộ và đi đò. Lên lớp 9, không hiểu sao đứa nào cũng có được một chiếc xe đạp cũ mèm. Thằng Nhân được anh nó nhường lại cho một chiếc xe thồ rau cải. Còn tôi xin được một chiếc mini (lại còn màu trắng nữa, phải “muối mặt” vì bọn con gái chọc quê dữ quá) của cô Ba bên quận 8. Bọn tui chở nhau đến nhà cô Hoa vào đêm 29 và ở đó tới khi bị “đuổi” mới chịu về nhà đón giao thừa. Sau này, tôi vẫn giữ cái lệ thăm thầy cô trước Tết để được “bán hạt dưa, buôn mứt dừa” nhiều hơn.

***

Cái Tết thứ nhất trong đời làm nghề gõ đầu, búng tai con nít là xuân Quý Dậu 1993. Biết ngày mùng ba chắc chắn không thể cạnh tranh với các tiền bối được, tui hẹn lũ học trò ngày mùng bốn đến chơi. Từ đó trở đi, cứ quen tật, mùng bốn Tết là lũ trẻ lại tụ về nhà tui cả ngày để hội hè quậy phá. Sáng nay, công nghệ nghịch ngợm đã được chuyển giao cho thế hệ thứ hai (thằng Nhật Anh, con của Sơn Châu) rồi!

Ngày mùng ba, tui để dành cho sự học: cố gắng viết một bài văn hay bài thơ, nằm dài suy nghĩ về nghề …. Với tui, ngày mùng ba Tết mới thật sự là ngày lễ tri ân thầy cô, là ngày có ý nghĩa cao quý nhất với nghề dạy học, là ngày để tôn vinh đạo học. Bản thân tôi không coi ngày 20-11 là ngày lễ thầy cô. Với riêng tôi ngày này hầu như không có ý nghĩa, tôi thường gọi ngày này là ngày giỗ nhà giáo.

Cũng từ khi đi dạy học tui hay ngẫm nghĩ về những chi tiết trong truyện Tây du ký của Ngô Thừa Ân:
- Đó là chuyện Tôn Ngộ Không bị đuổi học. (Ai biểu cãi thầy quậy phá làm chi, chưa thi tốt nghiệp mà đã phải hạ san).
- Trong truyện, cuối hồi thứ hai, có chi tiết bọn khỉ con nịnh bợ Hầu vương tài giỏi nhưng Ngộ Không chỉ cười nói: “Bây ơi, ta được thầy tiên cho tên họ mới là vinh dự chớ !”. Sao con khỉ này lấy ba chữ Tôn Ngô Không làm vinh dự vậy ta?
- Hè năm 1991, đài truyền hình TPHCM chiếu bộ phim Tây du ký của Dương Khiết do Lục Tiểu Linh Đồng thủ vai Tôn Ngộ Không. Hình ảnh con khỉ già trở về núi tìm thầy với mắt rưng rưng ngấn lệ mà chẳng thấy sư tiên xuất hiện là một ấn tượng đẹp đẽ về tình thầy trò trong suy nghĩ của tôi. Nhưng vì sao Tu Bồ Đề tổ sư không cho lão Tôn tiết lộ là đồ đệ của người? Vì sao ông không nhận là thầy của Ngộ Không? Câu hỏi bao năm qua vẫn chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng.

***

Hôm hai hai tháng Chạp, có hai đứa đệ tử đến chơi. Dong dài thế nào mà nó kết luận “ông Khổng Tử nằm giữa đường không ai dám bước qua”. Tội quá! Tội cho Khổng Tử thì ít mà tội cho thằng nhỏ thì nhiều. Vì nó chưa hiểu lẽ đời. Đó là thiên hạ đẩy ổng ra chứ Confucius đâu có như vậy. Tam Tự Kinh còn có câu: “… tích Trọng Ni sư Hạng Thác…” nhắc việc Khổng Tử tôn đứa trẻ 7 tuổi làm thầy mà. Và “bất sỉ hạ vấn” (Không xấu hổ khi hỏi người dưới mình) có thể xem là một tuyên ngôn về sự học của Luận ngữ (thiên Công Dã Tràng).

***

Ngày mùng ba ngồi ngẫm nghĩ.

Với tui, mùng một Tết cha, mùng ba Tết đạo học (Tục ngữ: Mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy)

Với tui, trọng đạo rồi mới tôn sư. (Tục ngữ: tôn sư trọng đạo)

Với tui, tận tín sư bất như vô sư (lấy từ Mạnh Tử, thiên Tận Tâm: Tận tín thư, bất như vô thư . Nghĩa là: Thà không có sách, còn hơn (có sách để đọc rồi) nhắm mắt tin sách)

Cái huyền diệu từ đạo học mà người thầy truyền dạy quả là bất tận.

Lang thang vô thức vô tri
Lênh đênh vô định, lững lờ vô biên.

Ngày nào chưa hiểu được thầy trò Tu Bồ Đề tổ sư – Tôn Ngộ Không thì chưa thể là một ông thầy đúng nghĩa.

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2010

Chúa sơn lâm và thể thao

Thể thao ngoài mục đích rèn luyện nhanh hơn , mạnh hơn … thì phải "dữ" mới được. Những đòi hỏi này phù hợp với tính chất của chúa sơn lâm (sư tử ở châu Phi và cọp ở châu Á). Do vậy trong thể thao, sự xuất hiện của chúa tể rừng xanh là không thể thiếu.

Biệt danh của các đội bóng

Ở châu Âu, logo của các đội bóng thường gắn những chú sư tử. Premier league có biểu tượng là một chú sư tử mạnh mẽ quay đầu ngược chiều đồng hồ, chân trước bên trái dậm lên quả bóng, phía dưới là chú ó cách điệu của ngân hàng Barclays. Không riêng gì đội Anh lấy con sư tử làm biểu tượng, đội Scotland cũng thế nhưng khiêm tốn chỉ có một chú mà thôi. Trong giải ngoại hạng cũng có nhiều đội lấy sư tử làm biểu tượng như Aston Villa, Middlesbrough… Cá biệt có Sunderland gắn tới hai con sư tử nhưng biệt danh thì thật là trớ trêu: Mèo đen. Nguyên trước đây biểu tượng của đội này là một con mèo đen nhưng sau này đã được thay thế bằng hai chú lion cho mạnh mẽ. Còn trước khi Abramovic đến, logo của Chelsea hình con sư tử màu vàng nhưng sau đó đã lấy lại hình con quỷ màu xanh để làm đối trọng với những con quỷ đỏ M.U. Ngoài ra có thể kể đến Osasuna, Real Zaragoza (ở La Liga - Tây Ban Nha), Munich 1860, Bayer Leverkusen … ở Bundesliga, Brescia ở Calcio … Ở châu Âu và châu Phi có nhiều đội bóng mệnh danh sư sử như: đội Anh là Tam sư (Three lions), Cameroon là Những con sư tử bất khuất (Indomitable Lions), Senegal là Những chú sư tử Terangga (The Terangga Lions), Ma Rốc là Những con sư tử vùng núi Atlas (Atlas Lions). Cấp câu lạc bộ thì có Olimpic Lyon (Những con sư tử sông Rhone), Sochaux (Những con sư tử nhỏ)…Gabriel Batistuta, cầu thủ huyền thoại người Argentina, sau 9 năm tận trung với thành Florence, đã giành sudetto với AS Roma năm 2001. Lúc ấy ngoài biệt danh Batigol, anh còn có biệt danh “Vua sư tử” bởi lối chơi bóng mạnh mẽ, hiệu quả cùng với mái tóc bồng bềnh vàng óng (Tay này cũng đã kết liễu The Gunner ở Champion league 1999 ngay tại Hibugry.)

Tuy nhiên, ở những xứ hàn đới này cũng có những đội bóng cầm tinh con hổ. Đội tuyển Đức với lối đá kỉ luật chặt chẽ, hiệu quả, không hoa mỹ đã lừ lừ tiến sâu trong các giải Euro, Mondial… nên được tên theo thương hiệu “Xe tăng con cọp” (Tiger tank) hồi đệ nhất thế chiến. Đội bóng nổi tiếng nhất của nước Đức là Bayern Muchen thì được mệnh danh là những con hùm xám xứ Bavaria. Ở nước Anh, một đội mới lên ngoại hạng hai mùa rồi là Hull city thì có tên Những con hổ vùng Yorksishe. Rải rác châu Âu cũng còn vài đội dù không mấy nổi tiếng lắm: FC Kosice (Slovakia), FC Nordsjaelland (Đan Mạch), FC Amur Blagoveschensk (Nga).

Châu Á mới thật sự vùng đất định cư của loài mèo lớn. Vì thế ở đây có nhiều “cọp” hơn. Ngoài biệt danh “The Reds 2002” thì từ năm 1988, Hàn Quốc đã tự xưng là “Những con hổ châu Á - Asia tigers” dựa theo hình ảnh những con cọp vùng Siberia (còn gọi là cọp Amur). Tại Olimpic Seoul 1988, linh vật mà Hàn Quốc chọn chính là chú cọp Xi-bia tên Hodori.. Ở vùng Nam Á, cọp Bengal , cọp Sumatra, Cọp Mã Lai… cũng rất dữ dằn. Tại SeaGemes 2009 vừa qua, những chú nghé Việt Nam đã để thua những con cọp vằn Malaysia một cách tức tưởi dù cách đó một năm họ đã lột da cả cha con giống hổ Mã Lai này (thắng cả Merdeka lẫn AFF cup 2008). Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á trước đây có tên là Tiger cup ( từ 1996 đến 2004) do hãng bia cùng tên tài trợ. Có lẽ không đạt doanh số nên hãng này đã ngừng tài trợ cho AFF mà chuyển sang lập các Tiger FC để bán bia cho người xem bóng đá Anh.

Ở Việt Nam không thấy đội nào lấy ông ba mươi làm biểu trưng. Ngay cả vùng đất có nhiều cọp như Khánh Hòa cũng chỉ chọn yến sào hoặc công ty du lịch K tài trợ. Nhưng những năm 80, 90 đội này cũng có con cọp bén ngót. Đó 1à tiền đạo Dương Quang Hổ, hiện là HLV tuyến trẻ của Khataco Khánh Hòa.

``````*****``````

Hổ trong võ học

Vì biểu trưng cho sức mạnh nên trong võ thuật không thể không nói đến hổ.

Tam quốc chí của La Quán Trung, ngũ hổ tướng của Lưu Bị là Quan Vân Trường , Trương Đực Đức, Triệu Tử Long, Mã Siêu và Hoàng Trung.

Thủy Hử của Thi Nại Am kể chuyện 108 anh hùng Lương Sơn Bạc tụ nghĩa cũng có nhiều con hổ. Ngũ hổ tướng Lương Sơn Bạc gồm có Thiên Dũng Tinh Đại Đao Quan Thắng, Thiên Hùng Tinh Báo Tử Đầu Lâm Xung, Thiên Mãnh Tinh Tích Lịch Hỏa Tần Minh, Thiên Uy Tinh Song Tiên Hô Diên Chước, Thiên Lập Tinh Song Thương Tướng Đổng Bình. Ngoài Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm từng trực tiếp đả hổ thì còn tới chục anh hùng hảo hán khác như: Sáp Sí Hổ (Hổ chắp cánh) Lôi Hoành, Cẩm Mao Hổ (hổ lông gấm) Yến Thuận, Nuỵ Cước Hổ (hổ thọt chân) Vương Anh, Khiến Giản Hổ (hổ nhảy khe) Trần Đạt, Hoa Hạng Hổ (hổ hoa) Cung Vượng, Tùng Tiến Hổ (hổ trúng tên) Đinh Đắc Tôn, Bệnh Đại Trùng (hổ ốm) Tiết Vĩnh, Đả Hổ Tướng (tướng đánh hổ) Lý Trung, Tiếu Diện Hổ (hổ mặt cười) Châu Phú, Thanh Nhãn Hổ (hổ mắt xanh) Lý Vân …Chỉ cần nghe danh đã hình dung được sở trường, tính cách của từng vị.

Dưới thời nhà Thanh, vùng Quảng Đông có mười nhân vật võ nghệ xuất chúng, được tôn xưng là "Quảng Đông thập hổ". Đọc trên TNO thấy có:
Bạch hạc Hiệp gia quyền Vương Ẩn Lâm, Cửu long quyền Hoàng Trừng Khả, Hắc hổ Thập hình quyền Tô Hắc Hổ, Hồng quyền Hoàng Kỳ Anh (cha của Hoàng Phi Hồng), Đàm gia tam triển Đàm Tế Quân, Thất tinh quyền Lê Nhân Siêu, Túy quyền Tô Xán (tục xưng là Tô Khất Nhi), Thiết tuyến quyền Lương Khôn (tục xưng là Thiết Kiều Tam), Kim cang chỉ pháp Trần Trường Thái (tục xưng là Thiết Chỉ Trần), Nhuyễn miên chưởng Châu Thái (tục xưng là Châu Thiết Đầu). http://www.thanhnien.com.vn/thethao/Pages/200952/20091222085806.aspx

Năm 1999, hãng ATV phát hành bộ "Ten Tigers of Guangdong". Trong phim này có một câu nói của sư phụ Lục A Thái (Cao Hùng đóng) dạy Hoàng Trừng Khả (Âu Cẩm Đường) rất đáng ngẫm nghĩ:

“Thử thì chưa chắc thành công, không thử thì chắc chắn thất bại.”

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2010

Vui Tết Nguyên Đán! Chào năm Canh Dần!

Mấy con ơi, Táo Gia lì xì mấy con nè:

10.000 tấn tài tấn lộc



20.000 thọ tỉ Nam sơn



50.000 phúc như Đông hải



100.000 an khang thịnh vượng



200.000 hạnh phúc cát tường


500.000 vạn sự như ý

Nhưng thưa, thầy con chưa có tiền. Chỉ có tình thui. Ai lấy hôn?



Một cành hồng cho ngày tình nhân,
Một cành mai cho Tết Canh Dần
Một phong bao chứa đầy sắc đỏ
Vạn yêu thương ăm ắp tình thân


Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2010

Tui tiễn anh lên đường!

Hôm nay là ngày cuối năm ràu, phải chia tay anh, tui buồn lắm! Tuy không cùng giống, nhưng tụi mình cùng chung số kiếp. Anh thứ hai còn tui tới thứ bảy lận. Cách biệt 5 tuổi không làm mất đi những điểm chung giữa anh và tui. Đó là khi thiên hạ điên lên thì họ đều lôi chúng mình ra mà chửi cái thứ “đầu trâu mặt ngựa”. Còn khi than vãn cho nỗi đời cực nhọc thì họ cứ rên kiếp “ngựa cưỡi trâu cày”. “Làm thân trâu ngựa” như tụi mình khổ quá! Nhưng đổi lại cũng có nhiều cái hay đáng nói lắm chứ hả anh?

Trong 12 con giáp, anh tuổi Sửu còn tui cầm tinh con Ngọ. Nghĩ ông bà mình cũng ngộ, ngưu thì đọc ra sửu, hiểu là trâu, còn mã thì diễn ra ngựa mà lại phát âm thành ngọ. Giờ linh của anh là hai tiếng đầu của ngày. Hèn chi thiên hạ họ chửi anh là phải rồi! 2, 3 giờ sáng mà còn thức nhai lại đống bài vở sao không phát ngán. Khởi đầu của một ngày là giờ Sửu như vậy nên cũng đúng khi nói “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Tháng Sửu là tháng Chạp, cuối năm tính sổ thấy thua thiệt nên người ta mới la lên trong chơi vơi “Năm 2009 - con Trâu đáng ghét!”.

Có lẽ mấy em nhỏ, tuy là bẻ gãy sừng trâu nhưng chưa hiểu hết sự đời, hay làm nũng mà giận anh. Chứ người gian thế - dẫu ít khi công bằng - đều biết con trâu cần cù, hiền lành và gắn bó bao đời với nền văn minh lúa nước này. “Trâu này là cốt Phật xưa”, thử để tui nói về anh xem đúng không nhé!


~ * ~

Tuổi trâu như anh thì ai cũng sợ vì quá vất vả một nắng hai sương, làm không kịp thở, ăn chẳng kịp nhai. Tính anh lại thong thả từ tốn nên dễ bị đòn roi vì người ta hay chửi “trâu chậm uống nước đục”. Việc nhà nông nặng nhọc vậy nên họ mới an ủi anh chút ít “ốm trâu hơn khỏe bò” hoặc thỉnh thoảng khen lấy lòng “khỏe như trâu”. Cũng so sánh kiểu này thì anh không bị chửi “ngu như bò” nhưng bù lại, anh bị xỉa xói là vô cảm như “đàn gẩy tai trâu”.

Thật ra, anh cũng “sáng tai họ, điếc tai cày” chứ đâu có ngu lâu, dốt bền, khó đào tạo. Không hiểu sao, chứ tui thấy anh học hành cũng giỏi chứ! Bằng chứng là ai cũng lấy anh làm xim-bồ. Đất Trâu (Sơn Đông, Trung Quốc) là quê của Khổng Tử. Vì vậy Bãng Nhãn họ Lê mới lẹ làng ứng khẩu “Từ nay Trâu, Lỗ xin siêng học”. Triết học Trung Hoa thường nhắc đến cảnh Lão Tử cưỡi trâu. Tôn Tẫn, một bậc thầy về binh pháp, học trò của Quỷ Cốc tiên sinh, cũng cưỡi thanh ngưu. Còn thiền tông Việt cũng thường ngẫm nghĩ về con trâu vàng của Sư Không Lộ và con trâu đất của Tuệ Trung Thượng Sĩ (Trần Tung, anh ruột Hưng Đạo Vương). Những minh triết ấy chắc ít nhiều gắn liền với tính cách của anh há!

Ngưu Ma Vương
, một bà con khác của anh, là đại ca của ông thánh lớn bằng trời Tôn Ngộ Không thì phải khẳng định giòng họ anh tài giỏi chẳng thua ai.
Dã sử nước Việt mình kể chuyện cha rồng Lạc Long Quân diệt Hồ tinh xây Kim Ngưu tự trấn quốc; cái đuôi trâu giúp Vạn Thắng Vương dẹp loạn 12 sứ quân; chiếc lông trâu giúp Yết Kiêu bơi lặn như rái cá khiến quân Nguyên kinh đảm. Có lẽ vì thế mà truyền thuyết dân gian coi anh là con vật thiêng, có khả năng trừ ma quái, bảo vệ dân lành. Họ Trâu nhà anh được làm tam sanh (trâu, dê, heo) trong lễ vật hiến tế. Vào mùa Xuân, để khuyến khích dân chăm lo nghề nông, vua đích thân đến đàn Tiên Nông tế thần rồi ra cày tượng trưng ba đường gọi là lễ Tịch Điền. Ở nước mình, lễ này có từ thời Tiền Lê, dưới triều Đại Hành hoàng đế.

Trong truyện tàu của Kim Dung có Điệp cốc y tiên Hồ Thanh Ngưu tài ba cứu người. Trong đông y có vị thuốc Thanh ngưu đảm chữa các loại ngộ độc và chống các bệnh dịch truyền nhiễm (Hải Thượng Lãn Ông, Vệ sinh yếu quyết).
Chuyện tình cảm đôi lứa cũng không thể thiếu anh: đêm Thất tịch thấy anh vội vàng qua cầu Ô Thước gặp chị Chức Nữ, Trời cũng phải xúc động mà rơi những hạt mưa Ngâu; chàng Quách Tĩnh hiền lành được nàng Hoàng Dung láu lĩnh yêu mến gọi là con trâu nước.

~ * ~

Những chuyện trên là trong sách vở, còn ngoài đời thì anh cũng gắn với tui nhiều lắm!

Hồi tiểu học, tui nghe cô kể chuyện ngụ ngôn “Trí khôn của ta đây” mà vô cùng thích thú nụ cười của anh. Còn chuyện “Trâu đoàn kết giết hổ” thì tập cho tụi tui chống lại mấy đứa con gái dữ như cọp. Lên lớp 7, học bài “Chiều hôm nhớ nhà” của Bà Huyện Thanh Quan, đến câu “Gõ sừng mục tử lại cô thôn”, tui nhớ lại hồi nhỏ ở quê nội đi chăn trâu. Mấy câu như “Ai bảo chăn trâu là khổ” trong Quốc văn Giáo khoa thư, hoặc “Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao” của Giang Nam làm tui thích lại gần anh. Lần đầu tiên leo lên lưng anh ngồi, bị mấy cái lông nó đâm nhột quá phải tuột xuống liền. Có lần, anh nổi điên rượt chạy trối chết. Thằng Cui (đúng ra phải gọi là anh Cui, vì nó con của bác Mười), thằng Toại… vừa quen chăn trâu vừa giò dài nên hai đứa nó chạy ngay đến bờ ruộng rồi nhảy qua. Riêng tui, giò ngắn nên nhảy không tới cái bờ ruộng. Té lên té xuống, quíu bà cố, cũng may nhờ tụi nó nghĩ tình máu mủ, quay lại kéo lên. Nếu không chắc là bị anh húc lòi ruột ràu, là bi giờ khỏi ngồi tâm tình lun hén! Nhưng nói thiệt, tự vì tui thấy hình ảnh con trâu trong bộ tứ bình Ngư - Tiều - Canh - Mục nên thơ quá mới dại dột đội cái nón đỏ ngồi vắt vẻo trên lưng anh mà thổi sáo thả diều. Ừ! Nói về bà Huyện mới nhớ câu chuyện mỗ trâu: “Người ta thì chẳng được đâu/ Ừ thì ông Cống làm trâu thì làm”. Giai thoại này làm cho cả lớp tui được một trận cười khoái khẩu vì cái tài chơi chữ của bà Cung Trung giáo tập. (Từ năm 1123, vua Lý Nhân Tông đã có chiếu:“Trâu là con vật quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người. Từ nay cấm không được giết trâu ăn thịt. Ai làm trái thì trị tội theo pháp luật.)

Ở bên ngoại tui thì ngược lại. Chẳng nuôi trâu nhưng nhà đầy da trâu. Mỗi lần lên Chợ Lớn bán trống, ông ngoại tui đều mua về 3,4 tấm. Những tấm da vừa bèo nhèo thịt vụn, vừa thúi không chịu nổi. Nhưng mà nghề nuôi người nên cả nhà không ai rên tiếng nào. Đêm nằm ngủ, mấy tấm da trâu dầy cộp đậy trên nóc tảng-xê (hầm trú đạn), với cái mùi thum thủm ngai ngái, đã giúp tui thở khò an giấc. Người xưa có câu “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Nay phải thêm rằng Trâu chết cũng để tiếng đó nghe! Ông Học Lạc có câu “Làm lễ bôi chuông dớn dác sầu” nhắc tích xưa giết trâu lấy máu cầu tiếng chuông thanh. Không có máu của anh thì tiếng chuông không ngân được. Không có da của anh thì tiếng trống không vang được. Ngày Tư ngày Tết, tiếng trống lân rộn ràng khắp làng trên xóm dưới. Ngày khai trường, tiếng trống chầu tùng tùng của anh làm tui nhớ quê mẹ vô cùng!

~ * ~

Năm Kỷ Sửu 2009 này với tôi có thể nói là cát tường. Khác với tụi Mậu Thìn xung khắc với anh, trong tứ hành xung (Dần Thân Tỵ Hợi; Thìn Tuất Sửu Mùi; Tý Ngọ Mẹo Dậu) thì tôi kỵ jeu mấy con chuột, mèo và gà (nhất là bọn Quý Dậu). Dù anh mạng hỏa còn tui mạng thủy nhưng năm nay có thể xem là hạp. Nói vậy thôi, Đức năng hóa số mà! Mà đức thì kể nãy giờ, anh có kém ai đâu, nếu không nói là đứng hàng đầu!


Chỉ còn hơn trống canh nữa là hết ca trực của anh rồi. Chúc mừng anh đã xong kiếp “trâu cày”.

Và cảm ơn anh rất nhiều:

Cảm ơn anh …

…. đã cho tui một năm nhiều sức khỏe để sống, nhiều thóc lúa để ăn, nhiều tiền bạc để tiêu xài, nhiều trí tuệ để làm việc.

Cảm ơn anh …

.… đã tặng tui lũ khỉ con nhí nhố, đàn gà con khù khờ…để khi chửi bới làm niềm vui;

…. đã tặng tui mấy con cọp, vài con rồng… để lúc hành hạ được thích thú.

~ * ~

Hoa giáp đã ngoài tứ thập, gặp anh năm nay là lần thứ tư rồi! Quý, Ất, Đinh,… giờ là Kỷ. Biết sau này có còn gặp lại?!

Sống, đâu phải lúc nào cũng như “lục súc tranh công” anh hả?

Tui khoái cái thong dong như hiền triết, bỏ ngoài tai những sự đời của anh. Anh Trâu ngố thân yêu! Ngọ ..oooooooooọ!


Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

Nhớ là gì?

Vui xuân chung cả một trời,
Sầu xuân riêng nặng một người tương tư
(Bích câu kỳ ngộ)


Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê (chủ biên), Viện Ngôn ngữ 1997:
1. Giữ lại trong trí điều đã cảm biết, nhận biết để rồi sau đó có thể tái hiện được. Nhắc đi nhắc lại cho nhớ. Nhớ kĩ lời mẹ dặn. Uống nước nhớ nguồn (Ẩm thủy tư nguyên _ DeJinh).
2. Tái hiện ra trong trí điều trước đó đã từng được cảm biết, nhận biết. Bây giờ mới nhớ ra. Nhớ lại những ngày gian khổ. Nhớ đến đâu nói đến đấy. Sực nhớ.
3. Nghĩ đến với tình cảm tha thiết muốn được gặp, được thấy người hay cảnh thân thiết nào đó hiện đang ở cách xa. Nhớ con. Nhớ quê hương. Nỗi nhớ.

Trên http://vi.wiktionary.org/wiki/nh%E1%BB%9B , nhớ được cho là:
1. có ở ký ức
2. nhận thấy sự vắng mặt của người nào đó hoặc cái gì đó bằng lòng thương tiếc

Còn theo Hồ Ngọc Đức (
http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/Dict/) thì:
1. Ghi được, giữ được trong trí tuệ hoặc tình cảm: Mẹ dặn con, con phải nhớ mà làm; Thương nhau xin nhớ lời nhau (K).
2. Tưởng nghĩ đến một sự việc đã qua, một người vắng mặt mà mình ao ước được gặp lại: Nhớ cảnh cũ; Đi thì nhớ vợ cùng con, Về nhà nhớ củ khoai môn trên rừng (cd).
3. Giữ một con số để cộng nhẩm nó ở cột sau với số trên trong một tính cộng, số dưới trong một tính trừ hoặc tích trong một tính nhân: 8 và 4 là 12, viết 2 nhớ 1.

Cùng Hồ Ngọc Đức còn có các trang http://vdict.com,
http://dactrung.net/

****

Lang thang với anh tư nết mới thấy nhớ thật nhiều. Trong Google chỉ cần 0,10 giây đã cho khoảng 39.700.000 từ, còn trên bing.com thì có 1,180,000 results.

Điểm lại thơ ca, thấy nhớ cũng mênh mông lắm. Từ kiểu nhớ của chàng nghiện thuốc lào nhớ người yêu:
Nhớ ai như nhớ điếu cày
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên

cho đến kiểu nhớ của gái mới lấy chồng xa mẹ đều có cả:
Vẳng nghe chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.

Cũng có nỗi nhớ của người lữ khách ly hương:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

Hoặc cái nhớ của thời chiến như Hồng Nguyên (Nhớ), Nguyễn Đình Thi (Nhớ), Tố Hữu (Nhớ đồng), Tế Hanh (Nhớ con sông quê hương)

Nhưng nhiều hơn cả vẫn là nhớ “đến một người vắng mặt”, nhớ với những tâm trạng của kẻ đương yêu. Từ ca dao cho đến thơ, từ dân gian cho đến hàn lâm, chỗ nào cũng thấy nhớ. Đơn cử:

Nhẹ nhàng thì có:
“Khăn thương nhớ ai ...
Đèn thương nhớ ai .....
Mắt thương nhớ ai ....” (Ca dao)

Tha thiết đến chạnh lòng, não nuột:
“Non Yên dầu chẳng tới miền,
Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời.
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong”. (Chinh phụ ngâm)

Sôi nổi, vồ vập thì đây:
"Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!
Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi
Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời.
Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm.
Em! Xích lại! và đưa tay anh nắm!" (Xuân Diệu, Tương tư chiều)

Cứ trong sách giáo khoa phổ thông mà tìm chắc cũng không dưới chục bài. Còn trong kho tàng văn học thì vô số. Trên vnthuquan.net, search một phát cũng có hơn 30 bài cùng tựa đề “Nhớ” với những tác giả nổi tiếng như: J.Leiba, Nguyễn Bính, Trần Mạnh Hảo, Nhược Thu …

Từ nhớ được Nguyễn Du dùng đến 30 lần trong Truyện Kiều, xin dẫn vài câu làm ví dụ:

255. Mành Tương phất phất gió đàn,
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình.

383. Những là đắp nhớ, đổi sầu,
Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm.

557.Còn non, còn nước, còn dài,
Còn về, còn nhớ đến người hôm nay!

1253. Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.

1515. Thương nhau xin nhớ lời nhau,
Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy

1595. Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ,
Một màu quan tái, mấy mùa gió trăng

2275 (Từ) Cười rằng: “Cá nước duyên ưa!
Nhớ lời nói những bao giờ hay không?”

2327 Nàng rằng: “Nghĩa nặng nghìn non,
Lâm-tri người cũ, chàng (Thúc) còn nhớ không?”

Đủ cả: nhớ người, nhớ cảnh, nhớ tình. Kiều nhớ, Kim nhớ, Thúc cũng nhớ. Và lạ thay, kẻ “giang hồ quen thói” lại là người lấy chữ tín làm đầu.

*****

Lòng vòng một hồi thì mới phát hiện: để định nghĩa trí nhớ thì dễ, còn nỗi nhớ thì khó quá. Đi tìm nỗi nhớ theo phân tâm học của S.Freud cũng không thấy đâu nhưng cứ thử phác họa con đường của nỗi nhớ:

Vắng --> xa cách --> nhớ --> sầu (buồn) --> tương tư --> chờ mong tái ngộ.

Thế là lại quay sang tương tư. Mà tương tư chắc là đúng tâm trạng của khổ chủ đã treo status:

“Nhớ đến mức không thể chịu nổi”

Theo bác sĩ Hồ Đắc Duy, một chuyên gia về tâm sinh lý, thì tương tư là một dạng stress. “Đó là một sự tưởng nhớ quay quắt, ray rứt bồn chồn, một tâm trạng lo lắng không yên. Một loại tình yêu đơn phương, một nỗi đam mê kéo dài vô vọng bồng bềnh trong tâm tưởng.[…] nguyên nhân vốn chỉ vì một sự trắc trở xa vắng, một nhớ nhung vời vợi, một nỗi ray rức khổ đau luôn luôn hiện diện ngày cũng như đêm trong đời sống của bệnh nhân; và thuốc men, điều dưỡng hay tâm lý liệu pháp đều là vô ích không thể điều trị khỏi được, chỉ trừ khi bệnh nhân được nhìn thấy bóng dáng, được gặp mặt người yêu và nhất là được nghe những lời an ủi chính từ miệng người ấy nói ra mà thôi.”

Và ông cũng nhấn mạnh: “Mal d'amour hay love sick không diễn tả hết cái bệnh tương tư trong văn hóa Việt Nam và Đông phương”.

***

Lại tiếp tục “xệt” tương tư. Thì ra gã Trích tiên Lý Bạch cũng tương tư, lão đa tình Nguyễn Công Trứ cũng thế chứ không chỉ anh tóc quăn Xuân Diệu hay chàng nông dân Nguyễn Bính. Mà nói không quá, chắc Khổng Phu Tử ngày xưa khi san định Kinh Thi cũng khó tránh ải tình này:

Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy.

(Tự hỉu đi. Nhớ để tui ăn xong cái Tết nha!)

Lan man như vậy chắc cũng đủ cho nhỏ Méc khóc ràu! Còn nếu thiếu, Méc ơi đọc thêm nè!

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=dvU-DvudzF Ở hai đầu nỗi nhớ
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=TL1JAxT8TV Nhớ
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=gFEC2VarLA Nhớ lắm
http://www.nhacso.net/Music/Song/Nhac-Nhe/2006/02/05F60314/ Khi cô đơn em nhớ ai
http://mp3.xalo.vn/nghebaihat/370178854595/So-Rang-Em-Nho-Ai~Bang-Cuong.html
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=nKIgVKY_gK Tuấn Ngọc, Tương tư màu áo trắng

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2010

Tuân 1,tháng 2.

Thứ 2.

Hạnh phúc quá.Cái cảm giác hạnh phúc thật là khó tả.


Sau những chuỗi ngày đội sổ,rồi vượt lên trên tất cả để giành vị trí thứ 3 rồi sau đó lại quay về thời kì "toả sáng" : hạng 5.


Câu hỏi thứ 1:Chúngs ta sẽ bán gì cho buổi hội chợ?Mà phải dính tới Táo quân à nha!

Câu trả lời "xúc xích" nhất : "Táo quân là "trùm" trong bếp rùi thầy!Bán gì chả được!"

Hội họp đã đời,câu trả lời là:"Để tụi con tính lại ha thầy!"

Thứ 3.

Hic hic.Tui cũng biết thân biết phận chớ bộ.Tui biết mình không...xấu chai như người ta,không...thua người khác về độ lịch lãm,nhưng tui là Quốc vương kiêm chủ quản lí cái sở thú này mà!Tui đứng ở đâu kệ tui,mà có người dám tra khảo tui:

-Đứng đây làm gì đây?

Thôi thì rộng lượng nhường người ta một tí.Bắt tụi nó đứng dậy cho nghiêm trang rùi mình ra báo cáo cũng chả muộn.Phát bài kiểm tra mà làm quá!

Thứ 4.


Ăn tiệc tất niên cuối năm.Vui vẻ há,vậy là ai cũng có thiệp chúc mừng năm mới!


Thứ 5.


Rảnh rỗi ko có gì làm.Vào chơi với tụi nó xíu lại về!


Một ông già và một đám nhỏ tụm lại một góc để nói chuyện linh tinh.


Thứ 7.

Vào phụ làm hội chợ.Nhìn tụi nhỏ chạy lăng xăng thấy mà thương.Vào chút lại phải đi dạy rồi lại quay vào.


"Hmmm...ngủ cái coi,sáng nay thức sớm đánh răng nên..."



Khoa:"Í,con Vy ngồi làm gì mà đơ vậy kìa?"

"Hic,nhìn bà Vy ngủ mà..."


"Hehe,cuối cùng cũng cột xong lá cờ!"


"Hic,sao viết hoài mà cũng xấu vậy nè?"



"Táo Dở hơi đâyyyyyyyyyyyyyy!"

Bình già:"Húhú,điệu múa gì vậy bây?Lúc tập có đoạn này đâu!"
Giờ mới thấy cái xã hội mà giá trị của đẹp trai làm chủ!Đẹp trai làm đảo điên tất cả!

Bao nhiêu là người mong chờ được chụp hình với một ông già!Chấp nhận trả 5$/tấm-một cái giá không phải là rẻ đâu mấy đứa!

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

Lập xuân

Em về đón gió xuân sang
Để trang giáo án lang thang sân trường
Cánh hồng nâng những giọt sương
Thương vương trên tóc hoài hương học trò.