Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

Mùng một Tết cha, mùng ba Tết gì?

Mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy
Mồng một ăn tết nhà cha/ Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy.


Thật ra, trong hoàn cảnh xã hội hiện nay thì việc thăm hỏi ngày Tết không cần phải câu nệ đúng ngày giờ mà chủ yếu ở tình chân, nghĩa trọng với nhau.

***

Hồi còn đi học, tui thường theo tụi bạn đến thăm thầy cô vào những ngày Tết. Lớp 4 là nhà cô Hương ở đối diện trường Nguyễn Văn Trỗi. Lớp 5 thì xuôi đường 26-3 xuống chợ Xóm Mới là nhà thầy Hoành. Lớp 6-7 thì ngược Nguyễn Văn Nghi tới nhà cô Bông ở chợ Gò Vấp. Còn lớp 8-9 là nhà cô Hoa ở đối diện cổng mới bệnh viện 175. Tới năm lớp 10 thì sang quận 3 thăm thầy Đào Xuân Văn ở đường Trần Quang Diệu. Ban đầu thì cũng đi vào ngày mùng ba Tết cho đúng lễ nhưng dần dà tụi tui đã chuyển qua ngày khác để tiện hơn. Lý do đơn giản là tụi nhóc chúng tui không dám “giành” thầy cô với các sư huynh sư tỷ khóa trước. Có lần còn bị mấy anh lớn xếp chỗ cho ngồi ngoài hàng hiên cắn hạt dưa cả buổi mới đến lượt vào chầu. Từ đó trở đi, tụi tui không thăm thầy cô vào ngày mùng ba Tết nữa. Vì Tết thì không thể ngồi lì được với những đứa vốn nhiều chuyện như bọn học trò. Người đầu tiên đề nghị đi ngày khác chính là thằng Nhân. Nhà nó ở bên An Phú Đông, mỗi lần qua An Nhơn học nó phải lội bộ và đi đò. Lên lớp 9, không hiểu sao đứa nào cũng có được một chiếc xe đạp cũ mèm. Thằng Nhân được anh nó nhường lại cho một chiếc xe thồ rau cải. Còn tôi xin được một chiếc mini (lại còn màu trắng nữa, phải “muối mặt” vì bọn con gái chọc quê dữ quá) của cô Ba bên quận 8. Bọn tui chở nhau đến nhà cô Hoa vào đêm 29 và ở đó tới khi bị “đuổi” mới chịu về nhà đón giao thừa. Sau này, tôi vẫn giữ cái lệ thăm thầy cô trước Tết để được “bán hạt dưa, buôn mứt dừa” nhiều hơn.

***

Cái Tết thứ nhất trong đời làm nghề gõ đầu, búng tai con nít là xuân Quý Dậu 1993. Biết ngày mùng ba chắc chắn không thể cạnh tranh với các tiền bối được, tui hẹn lũ học trò ngày mùng bốn đến chơi. Từ đó trở đi, cứ quen tật, mùng bốn Tết là lũ trẻ lại tụ về nhà tui cả ngày để hội hè quậy phá. Sáng nay, công nghệ nghịch ngợm đã được chuyển giao cho thế hệ thứ hai (thằng Nhật Anh, con của Sơn Châu) rồi!

Ngày mùng ba, tui để dành cho sự học: cố gắng viết một bài văn hay bài thơ, nằm dài suy nghĩ về nghề …. Với tui, ngày mùng ba Tết mới thật sự là ngày lễ tri ân thầy cô, là ngày có ý nghĩa cao quý nhất với nghề dạy học, là ngày để tôn vinh đạo học. Bản thân tôi không coi ngày 20-11 là ngày lễ thầy cô. Với riêng tôi ngày này hầu như không có ý nghĩa, tôi thường gọi ngày này là ngày giỗ nhà giáo.

Cũng từ khi đi dạy học tui hay ngẫm nghĩ về những chi tiết trong truyện Tây du ký của Ngô Thừa Ân:
- Đó là chuyện Tôn Ngộ Không bị đuổi học. (Ai biểu cãi thầy quậy phá làm chi, chưa thi tốt nghiệp mà đã phải hạ san).
- Trong truyện, cuối hồi thứ hai, có chi tiết bọn khỉ con nịnh bợ Hầu vương tài giỏi nhưng Ngộ Không chỉ cười nói: “Bây ơi, ta được thầy tiên cho tên họ mới là vinh dự chớ !”. Sao con khỉ này lấy ba chữ Tôn Ngô Không làm vinh dự vậy ta?
- Hè năm 1991, đài truyền hình TPHCM chiếu bộ phim Tây du ký của Dương Khiết do Lục Tiểu Linh Đồng thủ vai Tôn Ngộ Không. Hình ảnh con khỉ già trở về núi tìm thầy với mắt rưng rưng ngấn lệ mà chẳng thấy sư tiên xuất hiện là một ấn tượng đẹp đẽ về tình thầy trò trong suy nghĩ của tôi. Nhưng vì sao Tu Bồ Đề tổ sư không cho lão Tôn tiết lộ là đồ đệ của người? Vì sao ông không nhận là thầy của Ngộ Không? Câu hỏi bao năm qua vẫn chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng.

***

Hôm hai hai tháng Chạp, có hai đứa đệ tử đến chơi. Dong dài thế nào mà nó kết luận “ông Khổng Tử nằm giữa đường không ai dám bước qua”. Tội quá! Tội cho Khổng Tử thì ít mà tội cho thằng nhỏ thì nhiều. Vì nó chưa hiểu lẽ đời. Đó là thiên hạ đẩy ổng ra chứ Confucius đâu có như vậy. Tam Tự Kinh còn có câu: “… tích Trọng Ni sư Hạng Thác…” nhắc việc Khổng Tử tôn đứa trẻ 7 tuổi làm thầy mà. Và “bất sỉ hạ vấn” (Không xấu hổ khi hỏi người dưới mình) có thể xem là một tuyên ngôn về sự học của Luận ngữ (thiên Công Dã Tràng).

***

Ngày mùng ba ngồi ngẫm nghĩ.

Với tui, mùng một Tết cha, mùng ba Tết đạo học (Tục ngữ: Mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy)

Với tui, trọng đạo rồi mới tôn sư. (Tục ngữ: tôn sư trọng đạo)

Với tui, tận tín sư bất như vô sư (lấy từ Mạnh Tử, thiên Tận Tâm: Tận tín thư, bất như vô thư . Nghĩa là: Thà không có sách, còn hơn (có sách để đọc rồi) nhắm mắt tin sách)

Cái huyền diệu từ đạo học mà người thầy truyền dạy quả là bất tận.

Lang thang vô thức vô tri
Lênh đênh vô định, lững lờ vô biên.

Ngày nào chưa hiểu được thầy trò Tu Bồ Đề tổ sư – Tôn Ngộ Không thì chưa thể là một ông thầy đúng nghĩa.

2 nhận xét:

  1. Mùng 2 tết mẹ,mùng 3 tết THẦY!!!

    Iu thầy lắm,nhớ thầy lắm,mà ko gặp dc!

    Trả lờiXóa
  2. Đứa nào dám đăng kí độc quyền vậy ta?

    Trả lờiXóa