Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2010

Tui tiễn anh lên đường!

Hôm nay là ngày cuối năm ràu, phải chia tay anh, tui buồn lắm! Tuy không cùng giống, nhưng tụi mình cùng chung số kiếp. Anh thứ hai còn tui tới thứ bảy lận. Cách biệt 5 tuổi không làm mất đi những điểm chung giữa anh và tui. Đó là khi thiên hạ điên lên thì họ đều lôi chúng mình ra mà chửi cái thứ “đầu trâu mặt ngựa”. Còn khi than vãn cho nỗi đời cực nhọc thì họ cứ rên kiếp “ngựa cưỡi trâu cày”. “Làm thân trâu ngựa” như tụi mình khổ quá! Nhưng đổi lại cũng có nhiều cái hay đáng nói lắm chứ hả anh?

Trong 12 con giáp, anh tuổi Sửu còn tui cầm tinh con Ngọ. Nghĩ ông bà mình cũng ngộ, ngưu thì đọc ra sửu, hiểu là trâu, còn mã thì diễn ra ngựa mà lại phát âm thành ngọ. Giờ linh của anh là hai tiếng đầu của ngày. Hèn chi thiên hạ họ chửi anh là phải rồi! 2, 3 giờ sáng mà còn thức nhai lại đống bài vở sao không phát ngán. Khởi đầu của một ngày là giờ Sửu như vậy nên cũng đúng khi nói “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Tháng Sửu là tháng Chạp, cuối năm tính sổ thấy thua thiệt nên người ta mới la lên trong chơi vơi “Năm 2009 - con Trâu đáng ghét!”.

Có lẽ mấy em nhỏ, tuy là bẻ gãy sừng trâu nhưng chưa hiểu hết sự đời, hay làm nũng mà giận anh. Chứ người gian thế - dẫu ít khi công bằng - đều biết con trâu cần cù, hiền lành và gắn bó bao đời với nền văn minh lúa nước này. “Trâu này là cốt Phật xưa”, thử để tui nói về anh xem đúng không nhé!


~ * ~

Tuổi trâu như anh thì ai cũng sợ vì quá vất vả một nắng hai sương, làm không kịp thở, ăn chẳng kịp nhai. Tính anh lại thong thả từ tốn nên dễ bị đòn roi vì người ta hay chửi “trâu chậm uống nước đục”. Việc nhà nông nặng nhọc vậy nên họ mới an ủi anh chút ít “ốm trâu hơn khỏe bò” hoặc thỉnh thoảng khen lấy lòng “khỏe như trâu”. Cũng so sánh kiểu này thì anh không bị chửi “ngu như bò” nhưng bù lại, anh bị xỉa xói là vô cảm như “đàn gẩy tai trâu”.

Thật ra, anh cũng “sáng tai họ, điếc tai cày” chứ đâu có ngu lâu, dốt bền, khó đào tạo. Không hiểu sao, chứ tui thấy anh học hành cũng giỏi chứ! Bằng chứng là ai cũng lấy anh làm xim-bồ. Đất Trâu (Sơn Đông, Trung Quốc) là quê của Khổng Tử. Vì vậy Bãng Nhãn họ Lê mới lẹ làng ứng khẩu “Từ nay Trâu, Lỗ xin siêng học”. Triết học Trung Hoa thường nhắc đến cảnh Lão Tử cưỡi trâu. Tôn Tẫn, một bậc thầy về binh pháp, học trò của Quỷ Cốc tiên sinh, cũng cưỡi thanh ngưu. Còn thiền tông Việt cũng thường ngẫm nghĩ về con trâu vàng của Sư Không Lộ và con trâu đất của Tuệ Trung Thượng Sĩ (Trần Tung, anh ruột Hưng Đạo Vương). Những minh triết ấy chắc ít nhiều gắn liền với tính cách của anh há!

Ngưu Ma Vương
, một bà con khác của anh, là đại ca của ông thánh lớn bằng trời Tôn Ngộ Không thì phải khẳng định giòng họ anh tài giỏi chẳng thua ai.
Dã sử nước Việt mình kể chuyện cha rồng Lạc Long Quân diệt Hồ tinh xây Kim Ngưu tự trấn quốc; cái đuôi trâu giúp Vạn Thắng Vương dẹp loạn 12 sứ quân; chiếc lông trâu giúp Yết Kiêu bơi lặn như rái cá khiến quân Nguyên kinh đảm. Có lẽ vì thế mà truyền thuyết dân gian coi anh là con vật thiêng, có khả năng trừ ma quái, bảo vệ dân lành. Họ Trâu nhà anh được làm tam sanh (trâu, dê, heo) trong lễ vật hiến tế. Vào mùa Xuân, để khuyến khích dân chăm lo nghề nông, vua đích thân đến đàn Tiên Nông tế thần rồi ra cày tượng trưng ba đường gọi là lễ Tịch Điền. Ở nước mình, lễ này có từ thời Tiền Lê, dưới triều Đại Hành hoàng đế.

Trong truyện tàu của Kim Dung có Điệp cốc y tiên Hồ Thanh Ngưu tài ba cứu người. Trong đông y có vị thuốc Thanh ngưu đảm chữa các loại ngộ độc và chống các bệnh dịch truyền nhiễm (Hải Thượng Lãn Ông, Vệ sinh yếu quyết).
Chuyện tình cảm đôi lứa cũng không thể thiếu anh: đêm Thất tịch thấy anh vội vàng qua cầu Ô Thước gặp chị Chức Nữ, Trời cũng phải xúc động mà rơi những hạt mưa Ngâu; chàng Quách Tĩnh hiền lành được nàng Hoàng Dung láu lĩnh yêu mến gọi là con trâu nước.

~ * ~

Những chuyện trên là trong sách vở, còn ngoài đời thì anh cũng gắn với tui nhiều lắm!

Hồi tiểu học, tui nghe cô kể chuyện ngụ ngôn “Trí khôn của ta đây” mà vô cùng thích thú nụ cười của anh. Còn chuyện “Trâu đoàn kết giết hổ” thì tập cho tụi tui chống lại mấy đứa con gái dữ như cọp. Lên lớp 7, học bài “Chiều hôm nhớ nhà” của Bà Huyện Thanh Quan, đến câu “Gõ sừng mục tử lại cô thôn”, tui nhớ lại hồi nhỏ ở quê nội đi chăn trâu. Mấy câu như “Ai bảo chăn trâu là khổ” trong Quốc văn Giáo khoa thư, hoặc “Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao” của Giang Nam làm tui thích lại gần anh. Lần đầu tiên leo lên lưng anh ngồi, bị mấy cái lông nó đâm nhột quá phải tuột xuống liền. Có lần, anh nổi điên rượt chạy trối chết. Thằng Cui (đúng ra phải gọi là anh Cui, vì nó con của bác Mười), thằng Toại… vừa quen chăn trâu vừa giò dài nên hai đứa nó chạy ngay đến bờ ruộng rồi nhảy qua. Riêng tui, giò ngắn nên nhảy không tới cái bờ ruộng. Té lên té xuống, quíu bà cố, cũng may nhờ tụi nó nghĩ tình máu mủ, quay lại kéo lên. Nếu không chắc là bị anh húc lòi ruột ràu, là bi giờ khỏi ngồi tâm tình lun hén! Nhưng nói thiệt, tự vì tui thấy hình ảnh con trâu trong bộ tứ bình Ngư - Tiều - Canh - Mục nên thơ quá mới dại dột đội cái nón đỏ ngồi vắt vẻo trên lưng anh mà thổi sáo thả diều. Ừ! Nói về bà Huyện mới nhớ câu chuyện mỗ trâu: “Người ta thì chẳng được đâu/ Ừ thì ông Cống làm trâu thì làm”. Giai thoại này làm cho cả lớp tui được một trận cười khoái khẩu vì cái tài chơi chữ của bà Cung Trung giáo tập. (Từ năm 1123, vua Lý Nhân Tông đã có chiếu:“Trâu là con vật quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người. Từ nay cấm không được giết trâu ăn thịt. Ai làm trái thì trị tội theo pháp luật.)

Ở bên ngoại tui thì ngược lại. Chẳng nuôi trâu nhưng nhà đầy da trâu. Mỗi lần lên Chợ Lớn bán trống, ông ngoại tui đều mua về 3,4 tấm. Những tấm da vừa bèo nhèo thịt vụn, vừa thúi không chịu nổi. Nhưng mà nghề nuôi người nên cả nhà không ai rên tiếng nào. Đêm nằm ngủ, mấy tấm da trâu dầy cộp đậy trên nóc tảng-xê (hầm trú đạn), với cái mùi thum thủm ngai ngái, đã giúp tui thở khò an giấc. Người xưa có câu “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Nay phải thêm rằng Trâu chết cũng để tiếng đó nghe! Ông Học Lạc có câu “Làm lễ bôi chuông dớn dác sầu” nhắc tích xưa giết trâu lấy máu cầu tiếng chuông thanh. Không có máu của anh thì tiếng chuông không ngân được. Không có da của anh thì tiếng trống không vang được. Ngày Tư ngày Tết, tiếng trống lân rộn ràng khắp làng trên xóm dưới. Ngày khai trường, tiếng trống chầu tùng tùng của anh làm tui nhớ quê mẹ vô cùng!

~ * ~

Năm Kỷ Sửu 2009 này với tôi có thể nói là cát tường. Khác với tụi Mậu Thìn xung khắc với anh, trong tứ hành xung (Dần Thân Tỵ Hợi; Thìn Tuất Sửu Mùi; Tý Ngọ Mẹo Dậu) thì tôi kỵ jeu mấy con chuột, mèo và gà (nhất là bọn Quý Dậu). Dù anh mạng hỏa còn tui mạng thủy nhưng năm nay có thể xem là hạp. Nói vậy thôi, Đức năng hóa số mà! Mà đức thì kể nãy giờ, anh có kém ai đâu, nếu không nói là đứng hàng đầu!


Chỉ còn hơn trống canh nữa là hết ca trực của anh rồi. Chúc mừng anh đã xong kiếp “trâu cày”.

Và cảm ơn anh rất nhiều:

Cảm ơn anh …

…. đã cho tui một năm nhiều sức khỏe để sống, nhiều thóc lúa để ăn, nhiều tiền bạc để tiêu xài, nhiều trí tuệ để làm việc.

Cảm ơn anh …

.… đã tặng tui lũ khỉ con nhí nhố, đàn gà con khù khờ…để khi chửi bới làm niềm vui;

…. đã tặng tui mấy con cọp, vài con rồng… để lúc hành hạ được thích thú.

~ * ~

Hoa giáp đã ngoài tứ thập, gặp anh năm nay là lần thứ tư rồi! Quý, Ất, Đinh,… giờ là Kỷ. Biết sau này có còn gặp lại?!

Sống, đâu phải lúc nào cũng như “lục súc tranh công” anh hả?

Tui khoái cái thong dong như hiền triết, bỏ ngoài tai những sự đời của anh. Anh Trâu ngố thân yêu! Ngọ ..oooooooooọ!


2 nhận xét:

  1. híhí,thầy iu anh Sửu wá nhỉ?

    "chửi bới làm niềm vui" mới ghê chớ!Pó tay thiệt!Nói vậy ko lẽ tụi này 1 ngày ko bị thầy chửi là ăn hông ngon,ngủ hông yên?;)) (chắc là vậy thật!)

    Trả lờiXóa
  2. "Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua", thầy vội vàng quá thầy ơi!

    Trả lờiXóa