Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Lang thang


1.     Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt.
2.     Nắng Paris, Nắng Sài Gòn
3.     Nhất tướng công thành vạn cốt khô.

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Trung nguyên

Đọc “má” của Nguyễn Ngọc Tư


Lời cho má
http://www.vannghesongcuulong.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?page=3&LOAIID=2&TGID=218&TPID=1121
Bây giờ không biết đã mấy mùa tôm rồi tôi trở thành một đứa - con - hàng - xóm. Bao lâu rồi con không còn lẽo đẽo theo gót má để chia chút dãi dầu, hả má ơi? Bao lâu rồi má không còn dịp để dạy con hiểu được ý nghĩa của giọt mồ hôi rơi xuống…
Má tôi là nông dân, suốt quãng thời gian cầm bút, mỗi khi tôi viết về người nông dân tôi lại nghĩ tới má. Trong tôi hiện lên đôi bàn chân ngắn, bè ra vững chãi, những cái móng chân khắng phèn, dày, đầy xơ. Một khuôn mặt sạm đen nữa đêm thao thức, nghe gió về lo lúa đang trổ ngoài đồng bị lem lép hạt. Một mái tóc bạc trắng, những sợi tóc sâu loăn quăn mọc trên đỉnh đầu, đám con cháu hăm he nhổ hoài mà chưa có ngày nào má thảnh thơi. Một dáng người chắc đậm tong tả đội rau đi chợ trong sương sớm. Một đôi tay cục mịch với những đốt xương thô mà sàng gạo như múa trong trưa vắng. Một bóng người sương khói ngồi tan nồi đất, cái mùi cám khét ngọt, nghe nỗi nhớ quê dậy động trong lòng.
Không có gì khác đâu, cũng như mọi bà má quê khác, má tôi cũng hiền lành, tháo vát, giỏi giang... má tôi cũng có những đứa con không bao giờ nhớ tuổi má, không bao giờ nhớ thời thanh xuân của má. Nhưng má không buồn, chỉ buồn khi tôi về, ngồi than bên bậc cửa, làm cái nghề viết văn cô độc, cực khổ quá má ơi, má tôi lặng lẽ buồn hiu. Buồn vì không hiểu văn chương, không thể dìu dắt, nâng đỡ tôi trên con đường nhọc nhằn đó, nhưng má không hay rằng má giúp tôi nhiều lắm.
Bảy tuổi, má dạy tôi trồng rau, tưới rẫy. Tôi lon ton đi chặt cây, kiếm sậy về cho má làm giàn cho dưa leo, mướp, đậu rồng. Những buổi chiều còn nắng, má xới đất, lên giồng, tôi lấy dao phay băm cho đất tơi ra để kịp lúc ba đi làm về gieo hạt cải. Ba má quẩy tưới thùng to, tôi nơ thùng nhỏ, nước sánh ra ướt đầm đìa. Tôi biết chổng mông ngồi rửa rau cần, ngò gai ở cầu ao cho má bó từng lọn nhỏ, tay tôi mới bợt bạt một chút má đã xót xa, kẽ tay má đầy những mảng nước ăn, đau nhức tới từng đốt xương sao má không than hả má. Nửa khuya ra chợ, tôi xách cái giỏ nhỏ chỉ đựng ghế ngồi với mấy cái bao trãi để bày hàng, má đội thúng ngò, má cứ hỏi có lạnh lắm hôn con, gió bấc thì cứ hiu hắt cắt da, nước từ cái thúng đội đầu cứ nhỏ long tong xuống đôi vai má. Khi đó tôi không hề biết hỏi, má ơi má có lạnh không, mà, chỉ câu nói của tôi, má ấm lòng biết chừng nào.
Năm tôi mười tuổi, cả xóm rủ nhau làm nấm mèo. Má cũng cố làm thêm lúc nông nhàn để tăng thu nhập.. Sau mỗi buổi học, mấy anh em tôi với má bơi xuồng đi hàng năm ba cây số mua so đũa. Anh tôi đốn, róc cành xong, hai má con tôi vác xuống xuồng, sợ phía tôi nặng, má gánh tới nữa thân cây, tôi chỉ te tái vịn hờ một đầu còn lại mà tưởng mình mạnh giỏi, cái cây bự chảng vầy sao mà vác nhẹ hẩng nhẹ hơ. Đường về nhà phải qua con đập, thường là quăng cây lên để kéo xuồng qua, những lúc mưa nhiều, đập xã, nước từ trong kinh tràn ra như thác, nước cứ lăm lăm nhấn chìm chiếc xuồng khẳm lừ tìm cách đi ngược vào. Má chống chỏi đằng lái, tôi nhảy ào xuống nước nắm mũi xuống kéo đi, qua đập, ướt như con chuột, má khen tôi giỏi mà sao nước mắt má rươm rướm vậy.
Làm nấm mèo cực nhất là lúc vô mùa, phải cưa cây thành khúc, đóng lổ, vô meo… cũng không lâu nhưng đủ để vai má tôi cấn hằn những cái rảnh sâu sần như vỏ cây so đũa, đủ để mấy đầu ngón tay ám mủ và bàn tay cầm búa chai rộp lên…
Coi lại, hồi nào tới giờ, nhà tôi làm nghề gì cũng cực thấu trời thấu đất, làm gì cũng nặng nhọc, cũng có thể đong mồ hôi bằng khạp, bằng lu. Mà, dù có làm gì thì má tôi cũng là người gánh chịu nhọc nhằn hơn hết thảy, ba tôi chỉ hụ hợ chút việc mỗi khi tan sở, má không buồn, má nói, ổng đi làm cách mạng mà. Tôi mười bảy tuổi, thôi học, theo má bán gạo, cám. Ngày nào má cũng bơi một hai xuồng gạo từ máy chà chở len lỏi theo dòng kinh dày những cây cầu khỉ để mang gạo bán tận nhà người ta. Tôi ngồi đằng mũi, qua cầu cao thì lấy trớn đẩy cho xuồng đi nhanh, cầu thấp lè tè không quá mũi xuồng, không đi được tôi giở cầu cho má bơi. Tôi học từ má, rằng gạo Một Bụi dài, thon, óng ả, gạo Tiên Lùn hạt ngắn, đục như nếp, bầu bĩnh, gạo Nàng Gáo tròn vo, cụt lủn, no căng… Gạo càng trong càng cứng, khô cơm, gạo đục, có ngòi là cơm mềm cơm dẻo… Lăn lóc với bụi cám, tôi nghiện luôn cái mùi thơm nồng nàn đó. Má nói rằng, mùi gạo đầu mùa khác mùi gạo cuối mùa, mùi gạo trắng khác với mùi gạo lức, và cho tới bây giờ, mỗi khi bưng chén cơm, tôi lại nhớ cái vị béo ngầy ngậy, ngọt ngào tinh khiết của gạo sống.
Bán gạo cũng có cái cực trần ai khoai củ của nghề bán gạo nhưng má tôi gắn bó với nghề rất lâu, chắc vì nó gần gủi với hạt lúa, cánh đồng, nơi cả đời nông dân má tôi dầm dãi. Tôi còn nhớ như in những mùa hạn, nước dưới kinh rút, chiếc xuồng không còn không thể chống trên lòng lạch cạn teo, má nghĩ ra cách tải gạo, cám bằng xe đạp (Ôi ! cái thuở sao nghèo quá là nghèo). Bao gạo để dài theo sườn xe, má ngồi yên sau chồm hai tay cầm lái, xoạt chân ra phía trước để đạp. Má con tôi suốt ngày dưới nắng cồng cồng đạp xe trên con đường lởm chởm đá. Sau này, tôi còn có thể một tay vịn bao gạo đặt ở yên sau, chân đạp cuống cuồng, tay kia cố kềm giữ tay lái đang lắc lia lắc lịa, cái bánh xe trước lúc nào cũng muốn chỏng lên trời. Ai khen tôi giỏi lòng má tôi cũng đau, vì đã để tôi dang dỡ con đường học tập. Lúc đó tôi chưa biết nói, “chừng nào nhà mình khá giả rồi con đi học lại, má lo gì”, chỉ một câu thôi sẽ an ủi lòng má biết bao nhiêu.
Những câu đáng nói thì vì vô tâm, khờ dại nên không nói, những câu không đáng nói thì cũng vì vô tâm, dại khờ nên đã nói rồi, không lấy lại được. Vẫn còn những ngày dài phía trước, mai tôi sẽ về thưa với má, dù tôi nói câu này dù hơi trễ tràng nhưng có còn hơn không, rằng chưa có bao giờ má dạy tôi viết văn, nhưng những gì tôi viết ra đều mang hơi thở cuộc sống mà má trao tặng.
Bây giờ không biết là đã mấy mùa tôm rồi má với ba tôi xa nhà cất cái chòi giữa đồng vắng xoay xở, vật lộn với con tôm trên những cái đầm chang chang nắng. Cũng từng ấy thời gian, ngày hai buổi sáng, chiều tôi quanh quẩn bên bàn giấy, sớm uống cà phê tối ngồi quán nhậu. Những con chữ bỏ đi xa, những câu văn trốn bặt. Mai mốt đây viết tặng má còn không xứng thì viết cho ai nữa bây giờ.
*****

Chợ của má
http://www.vannghesongcuulong.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=3225&LOAIID=21&LOAIREF=1&TGID=218
Tôi gọi những cái chợ ruộng dân dã này là chợ của má. Bởi nó hiền lành, lam lũ như má, bởi chợ nhỏ nhoi, khiêm tốn như má, nhưng nó mang một cái hồn sâu, mênh mông lắm nên người ta nhắc nhớ hoài, thương hoài như thương... má vậy.
Bất cứ khu chợ thực phẩm nào ở thành phố Cà Mau cũng có một góc nhỏ dành cho người chợ ruộng. Chợ bắt đầu từ tiếng xe lam chở hàng lặc lè, ậm ì trong buổi sớm, bằng tiếng trò chuyện êm đềm, bằng đôi tay oằn, đôi chân mỏi. Chợ bắt đầu bằng những cái bao ni-lông trải ra nền đất. bàn tay nào bày ra đó mấy trái dừa khô, mấy nải chuối vàng, con vịt lạc cạc bên rổ trứng. Trên thúng, trên nia lún phún nhô lên những ngọn rau uống sương cong cong.
Hầu như tất cả rau trái ở quê mình có, ở chợ ruộng có. Từ rau muống, rau lang, mồng tơi, bù ngót đến lá chuối xanh, lá dứa, bó sả, nhúm ớt... Rồi cá, rồi gà, vịt, chuột đồng... Ngày rằm, ngày ba mươi, chợ trang điểm bằng bông trang được cột thành khóm đỏ tươi bán cho những người cúng bàn thờ Phật. Mồng hai, mười sáu, chợ lúc nhúc những chú gà non tơ. Trời hạn, chợ bày thúng rau đắng đất run rẩy xanh cho ta thèm một nồi cháo tống. Bữa nắng chiều, chợ có rễ tranh, mía lau... Mưa xập xoài, chợ lổn nhổn ốc lát bán kèm lá ổi, lá sả. Những con ốc lát vừa cựa mình trở dậy từ đất, thịt cứ ngọt lừ. Cũng cử này, người ta bán xổi rau muống đồng, loại rau muống bị chìm trong nước nhú lên những cái đọt non mềm, cỡ một gang tay, trắng nõn, tưởng như có thể bẻ bằng mắt một cái “bụp” ngon ơ. Mùa nào thức ấy. Nhưng có hôm ta thèm thứ trái mùa lại gặp ở đây thứ trái mùa. Vô tình, chính con người nón rách áo túi cùng những món hàng đã khoác lên cho chợ ruộng một cái áo bình dị, một linh hồn hiền hậu mà rất đỗi thiêng liêng. Thêm vào đó một chút thâm trầm dân dã. Thì có gì dân dã bằng nắm rau càng cua mọc từ chái hè, mấy trái bình bát chín hườm mọc từ hào ranh, rổ đọt lúa hái từ sân trước.....
Chỉ có vậy mà những nội trợ đảm đang mê đắm mê đuối chợ này. Họ mua được nhiều rau tươi, cá tươi, giá lại rẻ do gần như người bán chỉ lấy công làm lời. Họ mua được đầy ắp lòng tin từ bàn tay cần cù của những tấm lòng nông dân chân chất. Và những người xa quê đỡ nhớ quê nhà.
Những người ra chợ Cà Mau đều từ ngoại thành, từ những địa danh như Bà Bèo, Đàn Âm, Nhà Phấn, Tân Thành, An Xuyên vốn có truyền thống trồng rau, đi chợ.. Lọn rau muống giá 150 đồng, nhúm đọt chùm ruột giá 500 đồng, xấp lá chuối 1000 đồng... học cũng tích cóp tháng ngày. Thật ra, nhà nào cũng có một vài công ruộng nhưng “ngồi không ăn lúa kho cũng hết, nên đi bán kiếm ít đỉnh tiền”. Khuya sớm gánh gồng đi chợ, chợ tan, các mẹ, các chị về nhà, lua vội vài chén cơm, lại tần tảo quẩy giỏ, cầm dao ra vườn lo buổi chợ mai. Cắt, lặt, rửa, bó lọn... loay hoay cũng đến tận chiều. Bàn tay thấm nước, nhăn nheo, bàn tay tái nhợt. Vậy mà buồn (chắc là nông dân ai cũng buồn kiểu này), họ không định đoạt được giá cả món hàng. Nó có thể rẻ, rất rẻ (mồ hôi có rẻ vậy bao giờ).
Đội rau đi chợ trở thành một công việc đẹp của người nông dân tự đời nào không biết. Tìm được một người đi chợ lâu năm không khó, chỗ này, đằng kia đều có mặt những người dì “tính từ hồi đó đến giờ tui đi đứt cỡ 50 đôi dép Lào”. Họ là những người gắn bó máu thịt với cảnh chợ quê này không chỉ vì mưu sinh mà là mối gắn bó thiêng liêng. Không có rau, không đi chợ, đâm... buồn.. Có người lặn lội đi bán từng trái bình bát chín, không đủ tiền đi xe thì đi bộ, “miễn sao đỡ ghiền chợ. Ở nhà buồn tay buồn chân, đi bán, một trăm đồng cũng đỡ một trăm”. Những đồng tiền nhỏ nhoi nhưng đầy niềm vui bởi nó được làm ra từ giọt mồ hôi mặn, từ tấm lòng lương thiện, thẳng ngay.
Những chuyến hàng lại ra chợ vào buổi sớm mai.
Nên sáng nay con đứng nhìn và con nhớ má. Ngày xưa, có phải má con mình ngồi đằng kia, trong góc đó? Và con ngồi chồm hổm, mắt ngó về ông già bán kẹo mà tay chắt chiu rổ trứng gà con con. Ôi! Nhớ hồi xưa quá, má há?
*****

Sân nhà
http://www.viet-studies.info/NNTu/NNTu_SanNha.htm
Má buồn thiệt buồn khi nhắc lại hồi con gái má chừng mười, mười hai tuổi, “nhà mình nghèo quá, má không lo cho bây được đủ đầy…”.
Tôi cười giòn, trời đất, thiệt thòi gì đâu, má quên rồi sao? Những củ khoai lang còn ấm má mang về khi tan chợ, những bộ quần áo mới má thắt thẻo chắt mót từng lọn rau, bó cải để sắm cho con, chiếc xe đạp nhỏ - món quà từ tháng lương của ba để con tới trường… Và con có cả một vạt sân vàng nắng…
Tôi nhớ, sân nhà mình chỉ nhỏ bằng hai tàng cây trứng cá. Nó lọt thỏm giữa ngôi nhà xam xám thấp tè và những giồng rau xanh biếc ngoài kia. Phía bìa sân, ba đặt cái bàn thờ Thông Thiên nho nhỏ, bát cắm nhang để giữa hai hũ gạo, muối (hết thảy mấy thứ đó cũng nhỏ xíu), buổi chạng vạng, gió phiêu phiêu mang hương nhang bay lãng đãng trước nhà. Ranh giới giữa sân với vườn rau là những cái mương nhỏ tạo thành do má tôi lấy đất lên giồng. Sát hàng ba có một luống hẹ kiểng, trổ bông tím rập rờn suốt hai mùa nắng, mưa. Nhà tôi nghèo nên trồng loại bông coi cũng bình thường quá đỗi, lúc Tết, cũng chỉ thêm bông vạn thọ, mồng gà. Nhưng tôi chẳng có gì tiếc nuối khi nhà mình chẳng có mai, đào… Vạn thọ cũng có cái vui của vạn thọ (câu này tôi học trong Gala cười 2003 : “Bánh giò cũng có cái giá của bánh giò”), bởi những cây hoa bình dị ấy chính tay tôi gieo trồng giáp biên sân. Bữa hai chín Tết, má phơi lá chuẩn bị gói bánh, tôi ngẩn ngơ nhìn “bức tranh” sân của mình, trời đất, sao mà đẹp dữ ôn vậy không biết, viền quanh những tàu chuối xanh rờn là hàng trăm đóa hoa vàng rực rỡ. Tôi đứng ở đó, tự hào nhìn sự sống nở hoa từ bàn tay nhỏ nhoi, xương xẩu của mình (bàn tay xưa rày chỉ biết cầm đũa ăn cơm và… chơi chuyền).
Rồi hoa tàn, rồi mùa nắng hết. Mưa bắt đầu xập xoài, báo mùa đang đi tới. Tôi lóp ngóp xách rổ chận bắt mấy con cá rô ốm nhách, dài nhằng, mình đầy nhớt xăng xái lóc lên sân. Mặt sân đã ngấm mưa, đất vỡ ra, tràn xuống những chỗ nẻ. Nước lên săm sắp, ba phải kê đá tảng để có lối đi vào nhà. Không còn chỗ chơi rượt bắt, nhảy dây…, tôi bắc cái ghế ngồi học bài ngoài hàng ba, lâu lâu lại ngóng phía chân trời, coi xuyên qua đám mưa mịt mùng kia, có tia nắng nào hửng lên không ? Chà chà, chỉ cần đủ ba nắng, sân - thiên - đường của mình lại ráo hoảnh, sạch bong cho mà coi.
Bây giờ nhớ lại, thấy lạ, lạ quá chừng… Sân nhà mình hồi ấy có rộng mấy đâu, chỉ có khoảng trời là lồng lộng phía trên đầu, nhưng đã đi hết cả tuổi thần tiên rồi, sao tôi vẫn còn nhớ tiếc.
Chứ không à? Những đứa bạn dễ thương, những trò chơi tuổi nhỏ, cái xích đu tự tạo mắc lên cành cây bằng mấy cọng dây chuối, con dế gáy te te hoài dưới tấm đá chẻ bên góc nhà, tôi nhớ cả tiếng má rầy khi tôi trốn ngủ trưa lén ra sân ạch đụi nhảy dây. Suốt một mùa hạn, đám vú sữa đất mọc trên mặt sân chẳng thể nào ra lá mới, coi xo cò, tội nghiệp…(thì có sáng nào, chiều nào mà đám trẻ không chạy nhảy ở đó đâu). Coi lại, hồi nhỏ, tôi lang thang ngoài sân, vườn nhiều hơn trong nhà, trên mình đầy sẹo lớn nhỏ (mà, hỏi “lý lịch” của chúng, lắm khi tôi còn không nhớ hết); da vừa đen vừa mốc cời mốc thếch vì lấm lem bụi đất. Lúc tan bạn rồi, còn một mình, tôi vẫn thường thẩn thơ ở đó, mơ màng nghe bầy chim sâu, chim sẻ ríu rít cãi nhau, ngó con bướm nhỏ vỗ cánh thấp tha thấp thỏm… Có bữa thấy tôi bưng tô cơm vắt vẻo ngồi ăn trên chạc ba của cây trứng cá, má bực quá, má rầy, “con nhỏ này chỉ thiếu nước ôm mùng chiếu ra ngoài sân ngủ”…
Má cũng thường ra sân, nhưng không phải để thảnh thơi chơi đùa, không phải để ngắm mặt trời lặn, đón trăng lên… Buổi sớm, má ra quét lá, tiếng chổi xao xác trong tiếng gà. Buổi chiều, má hay ngồi chỗ góc sân, nghe tôi nhảy từ trên cây xuống cái phịch như ai quăng bịch muối, má than (mà cười): “Con nhỏ này chắc Mụ bà nắn lộn”… mà tay vẫn thoăn thoắt bó rau chuẩn bị cho buổi chợ sớm mai. Độ gần cuối tháng 10, lúa về sân, ba má ngồi quây lúa giữa trưa, bóng hai cây trứng cá đã bị tỉa thưa cành không đủ sức ngăn bớt cái nóng bừng bừng, mồ hôi chảy dài, bê bết tóc. Mỗi lần giở đệm lúa lên, hơi nước ướt đầm mặt đất, không hiểu sao, tôi cứ tưởng đấy là mồ hôi của má ba mình. Dường như không lần nào đứng trên mảnh sân - thiên - đường của tôi, má ba không tất tả, bận bịu, lo toan…
Nên cái hồi con mười, mười hai tuổi, nhà mình nghèo, má (và cả ba) thiệt thòi nhiều nhất. Còn con lúc ấy giàu có, đầy đủ lắm, má à. Má không tin con sao?
Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, 4-11-2004
*****


Làm má đâu có dễ
http://www.viet-studies.info/NNTu/NNTu_LamMaDauCoDe.htm
Chị Diệu về quê khi đoàn cải lương Mưa Bình Minh đang giữa mùa lưu diễn. Nhớ nhà quá, không có cái gì làm cho bớt nhớ. Tàu ghé đập Bàu Mốp, chị lội một đỗi, gặp má chị đi đám giỗ về, má chị kêu: “Trời đất, con Diệu, sao đi về vào lúc này?”. Chị nghe muốn khóc.
Chị, con gái của má, rời nhà từ năm mười bảy tuổi, bây giờ đã bốn mươi. Chưa khi nào gió chướng mang cái ngọn ráo khô bay qua rạch Bàu Mốp mà chị về nhà, kêu má ra cửa sau, chỗ thơm bựng hương cau, nhổ tóc sâu, bảo sẽ ở lại nhà lâu, lâu lắm. Nên má cứ nhìn hồ nghi, có chuyện gì sao con. Chị cười cười không nói gì, hỏi con San đâu. Má chị bảo nó đi đón ghe khóm từ rẫy Thới Bình qua, mua về rồi chèo xuồng dài dài xóm bán lại. Chị nuốt ực nỗi cay đắng vào lòng, “Sao má để nó đi, con nuôi hai người nổi mà!”. Bà già bảy mươi ba tuổi nhìn đứa con gái đầu bạc của mình, xót xa: “Bà cháu tao có cần tiền của bây đâu. Tao cũng cản hoài mà nó có nghe đâu. Tánh nó cũng cứng đầu cứng cổ hệt bây, bây biết”.
Chị biết, bởi có lần về, con San mang trả những gói tiền chị đã gửi. Những gói tiền còn nguyên vẹn như còn dính mồ hôi tay chị, nó bảo: “Em cảm ơn, em với ngoại nuôi nhau được, chế đừng lo, chế có tuổi rồi, để tiền hờ khi bệnh hoạn” nghe khách sáo như người dưng nói chuyện với người dưng.
Chị sinh con San cũng ngay mùa này, gió này. Gọi là San, là vì khi Hoàng Bảo từ thành phố tăng cường xuống “Mưa Bình Minh”, chị Diệu với anh hát chung tuồng San Hậu. Chị yêu anh lắm, không ai còn có thể nghệ sỹ hơn thế, tất cả con người anh toát lên cái gì đó phong trần, phiêu lãng, thương không chịu được. Chị đặt tên cho đứa con đầu lòng là San vì tin rằng sẽ đẻ cho anh thêm thằng Hậu, nhưng thằng Hậu mãi mãi không bao giờ có. San vừa tròn bảy tháng, để nó lại cho má, chị đi. Hôm đó nó đã bú cho thật no rồi, chị ép cho no nữa. Nó ngậm vú chị ngủ ngon lành. Đặt con xuống giường, chị còn thấy cái miệng nhỏ xíu của nó mút mút. Rồi từ đó chị không dám nhìn thêm lần nào nữa, sợ mãi mãi mình không thể nhấc chân đi. Mà chị thì không thể từ bỏ ước mơ của mình, trở thành cô đào hát nổi tiếng. Làm sao từ chối vai diễn đã từng chờ đợi, nàng Trưng Trắc oai hùng trong “Tiếng Trống Mê Linh”.
Chị yêu vai Trưng Trắc này biết bao nhiêu, người phụ nữ cũng có lúc dao động, mềm lòng khi chồng của mình đang nằm trong tay giặc. Nhưng rồi Trưng Trắc vẫn mạnh mẽ đánh trống xuất quân, nước mắt bi hùng nhỏ xuống mặt trống vang lời ly biệt. Mấy hôm đầu, có lúc sữa xuống nặng, chị Diệu nhớ con quay quắt, chị muốn bỏ hết, về nhà vùi mặt mình vào làn da thơm tho của nó, nhưng nghĩ đến vai diễn của mình, chị ghì lòng lại. Đâu nè, Trưng Trắc đâu có nữ nhi thường tình vậy.
Vở được đoàn đem đi dự hội diễn toàn quốc, năm đó chị nhận huy chương vàng, bắt đầu có một chút danh tiếng. Chị nguôi dần nỗi nhớ nhà, nhớ con. Chị bận lu bù với hàng chục, hàng trăm vở mới. Hồi đầu chỉ mùa mưa chị mới ờ nhà lâu, giữ con cho má đương thúng, tưới trầu. Sau này trời mưa chị cũng phải đi học bồi dưỡng nghiệp vụ, chánh trị. Chỉ về khi trên đường đi lưu diễn, tiện đường ghé lại, nhiều khi con Phèn còn chạy te te ra sủa. Có lúc thấy cái áo phơi ngoài sào, chị hỏi áo ai, má bảo, áo của con San chớ ai, chị cười, trời đất, nó lớn dữ vậy hả? Mà không biết mình đang hồn nhiên đứng bên đời, nhìn nó lớn...
San chưa bao giờ kêu chị Diệu một tiếng má. Khi nó biết nói nó bắt chước mấy dì, gọi chị bằng chế, xưng em. Dạy nó, nó lắc đầu nguầy nguậy, “Hỏng phải, chế Diệu hong phải má. Con Thắm mới là má”. Nghe lạ, hỏi lại, thì ra chơi nhà chòi, con Thắm đóng vai má con San. Tưởng lớn lên nó sẽ đổi nhưng có những tết gần giao thừa, chị gọi nó lại, biểu kêu má đi. Con San nhìn chị trân trân, tay vò vò vạt áo, nín thinh. Chị rút tiền ra biểu kêu má đi rồi cho tiền. Nó vẫn lặng lẽ đứng nhìn, hồi lâu, nó bảo, “em không biết xài tiền” rồi bỏ ra ngoài trước coi người ta đốt pháo.
Năm đó, nó tám tuổi. Giao thừa đang rộn rã ngoài kia, chị Diệu vô buồng ôm lưng má khóc. Má chị biểu “thôi nín đi, rồi từ từ má dạy. Mà, cũng tại mầy...”. Nghe người ta hát câu “Con chim se sẻ nó đẻ cột đình. Bà ngoại đẻ má, má đẻ tụi mình...” tim chị quặn thắt. Dường như con San đang đòi món nợ tình thương mà ngày trước chị nợ má.
Chị Diệu bỏ nhà theo đoàn hát từ năm mười bảy tuổi, không cách chi mà giữ lại được, không cách chi chị quên giấc mơ xướng ca xiêm áo. Má bắt chị thề “Không thương người cùng giới nghệ sỹ. Không lấy chồng khi chưa qua tuổi hai mươi lăm”. Nhưng năm hai mươi, chị về nhà dập đầu lạy má, thưa rằng vì yêu, vì muốn giữ bên mình người chị yêu, chị đã mang đứa con trong mình.
Má giận quá, nói hồi đó phải tao sanh ra hột gà hột vịt còn có nghĩa hơn sanh ra con gái như mầy. Giận vậy, nhưng thấy con mình khổ không cầm lòng được biểu “Thôi con, đừng thèm khóc, người ta hay hát, “Ví dầu tình có dở dang. Tự ên thiếp chống đò ngang thiếp về”, con người ta nhấc lên được thì bỏ xuống được”. Rồi lụm cụm đi trồng thật nhiều sả, chăm chút những cây chanh, cây bưởi quanh nhà cho tốt lá, lột vỏ tỏi để dành xông cho chị sau khi sinh. Lòng má đau con mình dại dột, nó làm vậy là đẩy người ta có cái cớ ra đi chớ có níu được, ràng buộc được người ta đâu, nghệ sỹ mà, ít ai coi trọng chuyện gia đình.
Nhưng con San đâu có già được như má, đâu có trải lòng ra để tha thứ như má. Chừng mười, mười hai tuổi, nó nói với má chị “Má ơi, con không đổi chế Diệu để lấy tiền. Chế Diệu có cho má đừng lấy “. Mà chị chỉ biết ôm nó vào lòng, thở dài rồi rầy, “ngoại già rồi, con kêu ngoại bằng má hoài người ta cười bà già khú đế mà còn có con muộn”. San thôi kêu ngoại bằng má nhưng tiếng má nó cất mãi trong lòng.
Nó lớn lên giống Hoàng Bảo như đúc, cũng gương mặt xương xương, cái mũi cao, đôi mắt to, hơi xếch, đôi môi mỏng, đỏ thắm. Nhìn nó, lúc chị Diệu nửa thèm ôm chầm vào lòng, nửa muốn xô ra. Nghĩ thương nghĩ giận người cũ, chị chỉ dám ngồi nhìn nó xa xa. Nên chị không hay nó lạ lùng hơn hết thảy con cái người ta. Nó ít nói, nhưng nói câu nào đáng câu đó. Có lần coi chị Diệu diễn Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài trên tivi, nó ngồi nghễu nghện trên mấy bao lúa chất giữa nhà, nghe mấy đứa bạn reo lên, má con San kìa. Nó nhếch mép cười. Tới đoạn Sơn Bá gặp Anh Đài ở nhà Chúc viên ngoại, biết rõ thân phận nhau, hai người âu yếm ôm nhau đính ước. Con San nói tỉnh bơ: “Ừ, ôm đi, ngoại à, vài bữa người ta đem một đứa nữa về cho ngoại nuôi cho mà coi”. Rồi tuột xuống cái độp đi te te vô buồng, biểu: “Con đi ngủ”. Nhưng ngoại san biết nó vô đó nằm khóc, vòng tay trìu mến đó, có bao giờ chị Diệu dành cho nó?
Câu chuyện làm chị Diệu đau lòng. Chị Diệu sợ con mình cũng như người đời, đánh đồng vai diễn với diễn viên, hễ ai đóng vai ác thì ngoài đời cũng ác, tình tứ với bạn diễn nghĩ ngoài đời chắc họ cũng yêu nhau. Chị chọn những vai đào võ, rồi nổi tiếng với những nhân vật nữ tướng, tinh tế trong cái nhìn khinh bạt, ngạo nghễ trước kẻ thù và cái chết, oai vũ trong từng động tác đá giáo, lăn tròn theo nhịp roi, đi gối... Ai cũng nói nếu con người ta có số sẵn (như giày dép vậy ) thì số chị Diệu sinh ra là để sắm những vai nữ tướng.
Riết rồi những vai đào thương, chị Diệu không diễn được. Có những lần giỗ Tổ, đoàn giao cho chị đóng vai Tô Ánh Nguyệt trong trích đoạn gặp lại thằng Tâm, lúc con trai mình mắng mỏ một hồi rồi bỏ đi, Nguyệt kêu, “Tâm, con đuổi má sao con?”, Lệ Thủy diễn xé lòng xé dạ người ta là vậy, nhưng với chị, chỉ câu nói đó thôi sao mà khó khăn quá chừng, tiếng má, nửa đời người chị chưa được con gái mình kêu.
Nên trả lời phỏng vấn báo chí, chị hay tự trào là mình nghệ sĩ nửa mùa. Khi đi qua mùa nhan sắc của một cô đào hát, chị xin đoàn cho mình đóng vai hề mụ, chị bảo, “tôi hát nhiều năm, khóc hết nước mắt rồi, bây giờ chỉ đóng được vai hài”. Và chỉ như thế chị mới không phải sắm vai những bà mẹ, không phải nghe bạn diễn với mình gọi là má à má ơi mà lòng như cắt như đau.
Hôm rồi, đoàn về hát vở “Cơn Mê” ở chợ Ông Trang, chị đóng vai bà già bán ve chai. Vai nhỏ, chỉ cần quấn khăn lên đầu tất tả gánh cái gánh đi ra, gặp cảnh một tên đầu gấu bức hiếp một cô gái nhà quê, bất bình bà già ra tay nghĩa hiệp. Đơn giản thôi. Vậy mà lúc diễn, nghe cô đào trẻ Thu Mỹ trong vai cô gái nhà quê núp sau lưng chị thét lên: “Cứu con với, má ơi!” bà ve chai bỗng đứng khựng lại, buông vai, sững sờ, khóc. Thu Mỹ cũng gục đầu, nức nở. Khán giả không hiểu gì hết, Đầu Gấu thấy vậy cương mấy câu. Màn kéo lại, ông phó đoàn kiêm đạo diễn quát văng nước miếng, “Tôi không sao tin nỗi. Một người lúc nào cũng muốn thành diễn viên nổi tiếng, một người mấy chục năm trong nghề rồi mà ai cũng diễn như một đứa con nít ba tuổi”. Hai chị em buồn quá, hỏi Thu Mỹ sao cương câu đó kỳ vậy, cô khóc, “hồi còn ở nhà mỗi lần ba em say rượu, ổng nghe lời má sau, đánh em dữ lắm, không ai bênh, em chỉ biết kêu má, riết rồi quen”. Trời ơi, bọn nghệ sỹ mình, gạt bỏ đời đau, sống trọn lòng trên sân khấu, được mấy người?
Tan hát rồi, chị Diệu với Thu Mỹ ngồi mãi ngoài bến tàu bên bờ sông Ông Trang. Gió lạnh thổi hiu hút. Thu Mỹ thắc mắc: “Mỗi lần bị đòn đau, mỗi lần gặp chuyện gì buồn, em đều nghĩ đến má trước tiên, sao ngộ vậy chị?”.
Chị ngẩn người ra, con San của chị cũng có khi gặp chuyện gì buồn, thế nào nó cũng nhớ tới chị mà chị thì xa cách nó ngàn phương. Vậy đâu có được. Đáng lẽ mình phải ở nhà, nghe nó thủ thỉ chuyện một cậu con trai nào đó hôm qua còn trêu chọc nó, biểu để lòng thương nó, hôm nay đã sắm cau trầu đi hỏi vợ khác rồi (Con gái mười tám tuổi hay nghĩ chuyện đó là chuyện buồn).
Sáng sau, chị lại xin phép trưởng đoàn, ông vừa đánh cờ vừa ờ, hờ hững. Chị đi từ giã hết thảy mọi người, ai cũng nghĩ rồi chị sẽ trở lại. Chị yêu sân khấu đến thế kia mà.
Chỉ Thu Mỹ biết chị sẽ không bao giờ quay trở lại. Đêm qua, chị ôm cô ngủ, chị nói, chị thương Thu Mỹ lắm, thương từ lúc cô mới vô đoàn, mười sáu tuổi đầu mà khuôn mặt đã già đi, dày dạn như con San của chị. Chị thương Thu Mỹ vì thấy cô giống hệt chị hồi đó, nồng nhiệt, tự tin, với tấm lòng trong trẻo tưởng rằng có thể thâu tóm được đất rộng, trời cao. Lúc nào cũng khao khát vinh quang nhưng không biết rủ bỏ nỗi đau riêng để hết mình trên thánh đường sân khấu. Chị nói chắc chị thôi nghề hát, về nhà làm con của má, làm má của con. Mặc dầu làm má khó hơn nữ vương, nữ tướng nhiều.
Nhất là với con San của chị, mười tám năm rồi mà vẫn dạ sắt lòng đinh. Vừa về tới, dựng cặp chèo ngoài hàng ba, nó cười, nói cái câu người dưng hay nói với người dưng:
- Ủa, chế mới về hả? Hồi sáng này em nấu nước, nghe lửa cười, biết thế nào cũng có khách, hỏng dè là chế.
Chị nghe niềm vui như ngọn đèn vửa bị thổi chao ngọn, San ơi, má là khách sao, má là khách à, con?
Chị chụp đứng dậy, bảo để chị đi nấu cơm chiều. Chị trầy trật nhen lửa, làm cho cả gian bếp ngoi ngóp khói. Bốn mươi tuổi đầu, chị phải tập làm đứa con hiếu thảo, làm một bà má giỏi giang bằng nồi canh chua bông súng, mẻ cá rô tôm tích kho quẹt này đây.
Trích trong Giao Thừa, tập truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. (tr. 82-89)
Nhà xuất bản Trẻ, tái bản lần thứ hai, tháng 5 năm 2004.
Nguồn: Văn Nghệ Sông Cửu Long (nhiều câu thiếu, sai THD chỉnh sửa ngày 30-11-04, sau khi đối chiếu với sách in)


Má, con và…
http://www.viet-studies.info/NNTu/NNTu_MaCon_Va.htm
Tôi nghĩ, đôi khi vô tình tôi làm má buồn.
Như chiều qua, tôi nói lúc này tóc con bị rụng quá trời, coi trên internet người ta dạy mua thuốc này thuốc này sẽ bớt. Hay hôm kia khi giỡn với nhóc con, phát hiện ra lưỡi nó bị nấm đóng dày, tôi mở máy tính, xong gật gù, trên mạng người ta kêu mua thuốc x thuốc y, hoặc hái lá a, lá b giã lấy nước rơ lưỡi, nhóc sẽ khỏi.
Có lần tôi khoe vài bí quyết nấu ăn, cách chọn gà ngon, má ngạc nhiên, mèn ơi trên mạng có đủ thứ hết trơn hả? Tôi cười khoái chí, gì cũng có má à, trên trời dưới đất, muốn biết gì cứ gõ vài ba chữ là mạng cho mình biết tuốt. Má nói ngộ quá, cái mạng là cái gì mà hay dữ ta. Giọng má không một chút ngậm ngùi nhưng bỗng dưng tôi nghĩ má ngậm ngùi.
Là vì má đang ở bên tôi, nhưng khi bối rối và ngơ ngác tôi đã không hỏi má. Sống bảy chục năm dài, trải qua bao nhiêu biến cố, má vén khéo đảm đang, chèo chống gia đình nuôi nấng mấy chị em tôi khôn lớn, phải nói là má biết nhiều, rất nhiều. Nhưng tôi không hỏi má, tôi chạy tới internet, gọi “vừng ơi…”, và đôi lúc khoe khoang những kiến thức mà má đã “rành sáu câu” rồi.
Một phần ý nghĩa của mối quan hệ già-trẻ (hay má-con) là cho-nhận, dạy-học… nhưng giá trị đó đang ít nhiều thay đổi. Sự mất mát rất từ tốn không nhận biết ngay được, cho đến khi đủ lớn và sâu, người ta mới giật mình, sực nhớ ra lúc này mình nói bằng ngón tay nhiều hơn bằng miệng, nhìn màn hình máy tính hay điện thoại nhiều hơn nhìn người. Sực nhớ có thể má đã buồn, má sống nhiều nhưng những trải nghiệm mà má đang gìn giữ, tôi không ngó ngàng tới.
Như thể tôi là tôi khác, không phải con bé đen nhẻm hồi lên bảy lên mười, đi vào cuộc đời bằng cánh cửa do má mở, suốt ngày lẽo đẽo theo chân má, để hỏi má ơi cái kia để làm gì, má ơi cái này tại sao... Ngày tôi về nhà chồng, má không dám đi đâu, suốt ngày chờ bên điện thoại, vì tôi hay gọi về hỏi, má ơi kho cá bằng muối hay nước mắm, nấu canh chua bằng me hay bằng giấm, con lỡ làm cơm khét rồi, giờ biết làm sao?
Hồi đó má ở xa chỗ tôi chừng mười lăm cây số, nhưng má chỉ cách tôi một hồi chuông điện thoại. Băn khoăn chút chút, nghi ngại chút chút, lo lắng chút chút… tôi lại nghĩ tới má. Và má luôn có câu trả lời. Như bà ngoại luôn có câu trả lời cho má. Như bà cố luôn có câu trả lời cho ngoại. Người ta cứ sống vậy, già rót đầy cho trẻ, đi trước dẫn đường cho đi sau, tưởng đâu nối tiếp hoài hoài.
Nhưng khi nền tảng ứng xử giữa người và người lung lay bởi quá nhiều phương tiện hiện đại, tôi cũng buông lơi bàn tay má. Ngụp lặn trong biển thông tin mà tôi tin với chúng, tôi sẽ xử lý tốt mọi tình huống xảy ra với cuộc đời mình. Tôi quên, má không biết nơi lạnh nhất vũ trụ nhưng má có nhiều kinh nghiệm nuôi trẻ con lớn mau. Má không biết cách diệt virus máy tính nhưng bẫy chuột là số một. Má không biết viết blog nhưng nấu ăn rất ngon. Nhưng tôi quên. Má, như những người già khác, đôi lúc nào buồn tênh trong ý nghĩ mình đang sống thừa, tàn lụi không tăm tích.
Tôi còn giữ hình ảnh những người già nước Hàn xa xôi mà tôi đã từng gặp mặt. Những ông bà già buồn rượi, lặng lẽ. Vật vờ như bóng, lắt lay như khói. Anh bạn của tôi nói đất nước anh càng phát triển càng hiện đại thì người già càng cô độc, hai thế hệ già-trẻ hầu như không còn chuyện gì chung để nói với nhau. Khi chụp ảnh những gương mặt sầu muộn đó, tôi luôn nhớ tới má, thầm so sánh và khoái chí vì má gọn gàng lanh lợi hơn họ, má tươi tắn vui vẻ hơn họ, dù má nghèo, thiếu thốn hơn họ.
Nhưng giờ tôi biết má cũng buồn, bởi nhiều lúc tôi bỏ bà một mình ở nơi cũ, thời gian cũ để một mình tôi đi vào thế giới ảo đầy quyến rũ. Không cần nỗ lực lớn nào, không cần với tay cao, cũng có thể hái được trái. Nó sẵn sàng xoa dịu, đưa ra những lời khuyên khi tôi than vãn đầu gối tôi mỏi, con mắt tôi bỗng nhiên mờ, vùng thắt lưng nghe nhói, cái đầu đau...
Riêng trái tim thường chẳng hết đau nếu chỉ nhận được những lời an ủi thao thao, bạn hãy quên bạn hãy vui, phải này phải kia... nên có lần đem trái tim đau lên mạng thở than, chớ hề nhận được cái khăn lau nước mắt. Những lúc đó nhớ má quá …
Không biết, khi tôi đi rất xa và quay lại, thời gian còn cho má bao dung đứng chờ?!!
Lên trang này ngày 6-9-09. Dùng bản Tư gởi


Con trai. Và má…
http://www.viet-studies.info/NNTu/NNTu_ConTraiVaMa.htm
Tết năm kia bạn tham gia một vở ca kịch mừng giao thừa trên quảng trường. Chương trình được truyền hình trực tiếp, má bạn coi ti vi thấy vậy liền lấy điện thoại gọi lúc vở diễn đang giữa chừng, nói tết nhất rồi bây còn vẽ mặt hề ca hát chi nữa, thay áo xống đi. Về! Bạn xoa cái bụng ông Địa độn vải chang bang của mình, nói chờ con chút nữa má ơi. Sau, lúc kể với tôi bạn nói, “thì dặn cho có vậy, chớ bà già tao chờ tao tới suốt đời”. Tết đó bạn bốn mươi ba tuổi.
Tôi với bạn không thân, có khi cả tuần mới ngồi chung nhau ở bàn, ở nơi gần như duy nhất là quán cà phê Văn nghệ. Nhưng tôi quen má của bạn, một bà già tuổi trên bảy mươi, đẹp người. Mỗi tháng bà ăn chay bốn ngày. Bà bị say xe, đi Sài Gòn lần nào cũng gọt củ sắn đem theo nhai cho đỡ nhộn nhạo trong ruột. Buổi sáng đi chợ thay vì vô tiệm phở bà chỉ ăn nắm xôi, hay một ổ bánh mì trơn, số tiền còn lại bà chắt mót bỏ ống cho bạn cất nhà. Bà có cái đầu tóc mượn làm tóc rụng của mình, chính mình nhặt nhạnh. Đôi lúc đọc mấy mẫu chuyện con con bạn viết, truyện nào cũng có nhân vật má, bà kêu kiếm gì đó viết nhắc tới ba bây, kẻo ổng buồn.
Tôi chưa gặp bà má đó lần nào, những gì tôi biết đều do bạn kể. Ngoài cà phê đá, sữa đậu nành… ngồi với bạn, tôi được thưởng thức thêm món “bà già tao…”. Như một ám ảnh. Ngọt ngào. Quán nằm giữa lòng thành phố, nhưng có khi bạn làm tôi thấy bóng người đàn bà ngồi câu cá chốt giấy làm khô gởi ra chợ cho con, bà hái bông so đũa về nấu chua với cá rô đồng. Tôi thấy bà ngồi trong bếp, thêm lửa cho đáy nồi dày cơm cháy (món này bạn khoái). Những ngày Tết bà hay lảng vảng gần chỗ mấy đứa con chơi bài cào, hóng coi coi đứa nào thua nhiều, bà lén luồn tiền cho nó.
Và bạn luôn là người thua nhiều nhất. Bà má bận lòng với bạn nhất. Lần nào về trong mớ hành lý của bạn cũng nhồi nhét bao nhiêu là quần áo quăn queo, má lục lọi ra, ôm đi ủi. Qua cửa là bà ngó từ trên xuống dưới, lúc bảo cạo râu bớt đi lúc chê tóc dài quá phủ cả lỗ tai, mà để móng tay chi dài thượt thiệt ngứa con mắt. Bạn hí hửng, bị rầy mà vô cùng hí hửng, má càm ràm bạn coi bằng như má hát ru vậy.
Bạn không bao giờ nói kiểu như tao thương má, nhớ má lắm lắm. Tình cảm của bạn đặt vào những câu chuyện, những ký ức, những kỷ niệm có thể đã cũ kỹ rồi hoặc còn tươi rói mới hôm qua, lần về thăm nhà gần nhất. Nơi bạn sống cách nhà sáu mươi cây số, lâu lắc vài ba tháng bạn mới về một lần, nhưng cảm giác bạn chưa bao giờ bỏ má đi đâu quá một ngày. Lá bay ngoài đường rơi bạn mơ màng “bà già tao tầm bốn giờ sáng là xách chổi đi quét lá ngoài sân…”. Một người bán quà rong đi ngang qua bạn chép miệng, “bà già tao ưa bánh phồng nếp nướng…”. Ngồi trong quán ngó trời mưa, mà mắt bạn ngậm sương như thể trước mặt thấp thoáng dáng một người phụ nữ đang súc rửa mấy cái lu, đắp đất be quanh nền nhà chống ngập, lấy tấm cao su căng che cho mùng con khỏi dột.
Bạn là họa sỹ, kiêm viết văn xuôi, làm thơ kiêm diễn viên, và ca vọng cổ nghe cũng mùi. Chữ của bạn luôn có hình ảnh bà mẹ tần tảo với đầu tóc mượn xức dầu dừa, kim tây cài miệng túi áo, chân đi dép Lào, nồng mùi dầu gió. Nhưng khi vẽ, hiện diện trên tranh bạn nhiều nhất là trẻ con. Những đứa trẻ đang giỡn đang chơi, xúm xít với nhau hồn nhiên ngước mặt ngó trời, bình an và nhẹ nhõm. Như thể khung tranh đã che khuất bà mẹ chúng đang ở gần đâu đó, đang bao dung dõi theo, ngó chừng bảo bọc cho, tôi có cảm giác đó. Nhưng cảm giác cũng đầy chủ quan, tôi bị ám ảnh bởi thứ tình cảm kỳ lạ mà bạn dành cho má, đôi khi chỉ vì một lần giọng bạn trở nên thảng thốt, “bà già tao nằm đau ở Sài Gòn…”
Đôi khi, tôi học từ những câu chuyện thảng hoặc, nhát gừng, vô chừng của bạn cách làm mẹ, làm con. Và cũng có lúc tôi hơi nghi ngờ, không biết chi tiết này câu chuyện kia có thật không. Nhưng điều đó không quan trọng, dù bạn viết truyện ngắn bằng lời, thì ba chữ “bà già tao…” từ cái miệng râu ria rậm rạp của bạn cũng lan ấm áp rung cảm sang tôi.
Bạn kể, má sinh bạn khi thai chưa đầy bảy tháng. Sinh non. Èo uột, bạn được nuôi dưỡng trong bệnh viện cho tới khi về nhà má đã mang bầu đứa nữa. Đứa trẻ chưa được ôm ấp bao nhiêu thì nhường vòng tay mẹ cho em. Câu chuyện đó nhen trong tôi một cảm giác lạ lùng, biết đâu bạn nuôi dưỡng trong mình một tình mẫu tử cực kỳ phức tạp, ngay từ lúc bé thơ, mà tôi chưa hiểu thấu. Và những sớm mai, tôi biết bạn hay trông tôi tới, bởi tôi luôn chăm chú ngồi nghe bạn nhắc “bà già tao…” với tất cả háo hức, tò mò. Là người viết, tôi mong giải mã một tình cảm hơi kỳ lạ, người ta vẫn thường thương má, nhưng ít ai thương ám ảnh kiểu như bạn.
Đến nỗi, tôi đoán chừng bạn không lấy vợ vì chưa tìm được người phụ nữ nào giống như má bạn. Và bạn còn nghèo má bạn còn mãi xót xa. Bạn còn lông bông văn nghệ văn gừng là má bạn còn cằn nhằn rầy la… Dường như bằng cách này bạn giành lấy tình thương của má, khi trót sinh ra dưới một mái nhà đông anh chị em. Má ở đầu nguồn, nên bạn mãi là con cá lìm kìm suốt đời bơi ngược nước?
Ai đó sẽ nói rằng bạn ích kỷ, chỉ nghĩ tới bản thân mình, nhưng dường như quyền phán xét chỉ thuộc về người mẹ. Biết đâu bà cảm thấy vui, an ủi, khi những đứa con lớn khôn đã lần lượt rời khỏi tầm với của bà, chỉ bạn là mãi loay hoay, lẩn quẩn vướng quanh chân. Ứ hự cái thằng nghề nghiệp lêu bêu, chưa vợ, chưa nhà cửa…


THUỘC VỀ MÁ...
http://www.vannghesongcuulong.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3254
Đưa má ra bến xe, giỏ xách đứt quai, đồ đạc đổ lủ khủ ra đường, hai má con nhặt nhạnh giữa những làn xe xuôi ngược. Chị càu nhàu, “trời đất ơi, má mang về làm chi mấy thứ này ?”. Cái chị nói là những chai lọ rỗng đang nằm lăn lóc. Má chỉ cười, hối chị mau mau thu dọn, đừng có ngồi đó nhăn nhó như khỉ ăn gừng.
Ngồi sắp xếp lại đồ đạc bên vỉa hè, má mới nói, coi đồ bỏ vậy mà trong quê quý lắm, má đem về để chiết dầu hôi, nước mắm cho bà con trong xóm. Bất giác chị nhớ tới cái tiệm tạp hóa nhỏ nhà mình, nhớ những khách hàng chân dính bùn chỉ dám đứng ngoài sân, bồn chồn gọi vào, “bán con hai ngàn đường, năm trăm đá cục…”. Chị thấy cơn bực bội dịu xuống.
Ngồi với má, lặng lẽ chèn những cái chai vào mấy giỏ xách chật cứng,chị nhận ra sự chu đáo của đứa em gái đang trọ học ở nhà mình. Em đã chuẩn bị cho má rất nhiều thứ. Những chai lọ là do em súc rửa. Và trong giỏ, như mọi khi là trà, xà bông, bột ngọt, thuốc lá, báo cũ, mớ củ cải muối nằm còng queo, những bộ quần áo trẻ con nhà chị đã mặc qua mà má nói đem cho mấy đứa nhỏ nghèo. Bỗng dưng chị thấy ngượng ngập.
Những thứ má cùm nụm cùm nịu mang về, một nửa là phế thải trong nhà chị. Một nửa, như bột ngọt, đã lâu không có trên kệ bếp, vì những khuyến cáo ảnh hưởng đến sức khỏe, đến trí nhớ. Thuốc lá ba chị hút, là loại không đầu lọc, rẻ tiền, khói thuốc vo tròn những cơn ho khan rát ngực. Những cái bánh bột đậu ba má chị hay ăn trong lúc uống trà, cũng đã lâu chị chẳng mua về, bởi trẻ chê không ngon.
Những gì chị từ bỏ, má lại nâng niu. Nhà thay ti vi mới, chị gửi cái cũ về, má mừng nói hồi nào giờ mới thấy Lệ Thủy đánh má hồng, tô son môi. Nhà chị lót gạch mới, ba chạy xuồng máy ra chở gạch cũ về lót đường đi, vạc giường cũ đóng vách chuồng gà. Xấp báo mang về từ gầm tủ nhà chị, má nhen lửa, má gói hàng cho khách. Những bữa chị về ghé qua bếp, thấy ơ cá kho mặn quắt, má kho bằng loại nước mắm giá chỉ vài ba ngàn một lít, má cũng biết đó chỉ là nước muối nhưng má cười, “xóm mình cũng ăn như nhà mình…”
Cũng những bữa canh rau suông đậm bột ngọt để nuốt xuôi cơm cháy, để giả vờ cái vị ngọt của thịt mà vì chợ xa, vì nghèo… lâu lâu mới hiện diện trong mâm cơm một lần. Cũng những chai nước đường thêm thắt chút vị coca mà đứa trẻ năm tuổi thành phố đã biết nguây quẩy từ chối. Cũng những chai (giống như) nước tương cáu cặn không xuất xứ, không hạn dùng.
Thành phố xem chúng là rác. Má biết điều đó, thậm chí chị đã chỉ cho má cách từ bỏ chúng. Nhưng má chỉ cười buồn, tiền nào của nấy, và người nào thì tiền nấy. Ở quê, mua món gì là người ta cầm mấy giạ lúa đi mua, nên tiền nặng lắm… Người đời luôn có những khoảng cách, không bao giờ có công bằng, chị biết. Nhưng chị đã không nghĩ tới, ranh giới đó cũng tồn tại giữa chị và má, và bà con họ hàng quê xứ.
Giờ thì khoảng cách đó rõ ràng hơn bao giờ hết. Ngồi chờ xe lăn bánh, cạnh má và mấy giỏ xách lỉnh kỉnh, giữa những hành khách nhếch nhác mệt mỏi khác.Chị nhìn chiếc xe chút nữa đây sẽ đưa má về quê, nó cũ nát, gỉ sét, nóng hập và loang lổ bụi. Chiếc xe có cánh cửa sắp rơi ra và một mảng kính rạn nứt này sau khi mỏi mòn chạy trên những quốc lộ liên tỉnh, người ta mới đem nó về những con đường huyện lị heo hút. Và má, những người dân quê má vẫn lấy làm hạnh phúc chen chúc đi về.
Trên chuyến xe xốc xếch đó, có bà mẹ trẻ đang ngồi cạnh chị đây, đang nâng niu xếp ra xếp vào mấy gói kẹo sặc sỡ phẩm màu, chắc chắn cũng rất đậm đà vị ngọt của đường hóa học. Nhưng dù chúng được làm bằng gì thì chúng cũng được chào đón bằng tất cả nỗi vui mừng, chờ đợi, thèm thuồng của những đứa trẻ ở nhà. Chúng cũng ngọt lịm cả một ký ức, mỗi khi nhớ lại, như chị nhớ lại tuổi thơ mình.
Những viên kẹo đã từng ám ảnh chị, giờ đã thuộc về má, làng quê của má, thế giới của má. Xa xôi…