Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Re: Những mùa Giáng sinh



Một mùa đông âm thầm buông lơi
tôi thấy Thầy tôi mặc áo trắng…
tôi hỏi bạn tôi: “Sao Thầy mặc áo trắng?”
bạn tươi cười: “Thầy lười đấy, cậu ơi!”

Mùa đông lạnh lặng lẽ trôi đi
tôi vẫn thấy Thầy tôi mặc áo trắng…
tôi hỏi bạn tôi: “Sao Thầy mặc áo trắng?”
bạn lại cười: “Tui không biết, bà ơi!”

Rồi mùa đông ngả màu về cuối
Chiếc áo trắng thêm lạ lẫm sân trường
Trong lớp học đâu mình tôi vương vấn
Khóe mắt chiều đơm những nét chân chim

Mùa đông ấy, với tôi, buồn rũ rượi
vẫn thấy Thầy mặc chiếc áo trắng tinh khôi…
tôi nhắn tin “Thầy ơi…,
…. con giận mẹ rồi…”

không trả lời, Thầy chỉ khẽ bâng quơ
“Con có biết vì sao Thầy mặc áo trắng?..”
“Dạ..là vì….?”

… Con xin lỗi…mẹ ơi.!
                                                                        09/ 01/ 2010 _  Bùi Thị Hà Huyên

~ * ~



Viết cho A2 và đọc cho những A2, với những mùa giáng sinh trong đời được làm con của má.

Hồi đó nhà nghèo má đi xin áo cho con
những chiếc áo cũ má sửa lại cho vừa cho vặn
con mặc vào cảm thấy quê quê
áo của người con mặc đâu quen
áo như người sao con không có
má lặng thinh con thêm bực mình
muốn đi học con đành nhận lấy
chiếc áo trắng rồi cũng thành thân thuộc
có những lúc chiếc áo ấy ố vàng
vàng vì cũ và vàng vì mồ hôi con bệnh
má giặt kỹ tẩy cho trắng lại
những chiếc áo đúng hơn là một
đã theo con suốt mấy cuộc hải hành.


Những dặm đường má mở cho con qua
có những chiếc áo vá ngả màu cháo màu bùn
con tự hào vì được làm “khố chuối Trần Minh”
tên khố chuối bạn bè gọi lúc nào không rõ
nhưng con biết má vô cùng xấu hổ
với các cô vì chiếc áo con mặc đến trường
chiếc áo ấy má vá đụp vá chằng
chiếc áo ấy dầy lên vì những miếng vá
chiếc áo ấy nặng lên vì những miếng vá
mắt má vàng lên theo những miếng vá
lưng má còng đội những miếng vá lên cao
những miếng vá má lấp vào chỗ rách
học trò nghèo phải cố gắng con ơi.


Chiều cuối năm, hai má con hì hục
chợ Bến Thành cứ bước loanh quanh
chân rệu rã mà chưa mua được áo
má nhẹ nhàng sao con khó quá
mua lẹ đi còn kịp trở về
con dỗi hờn thôi không mua nữa
áo con mặc, sao má cứ nói hoài
để rồi khi con tìm được chiếc áo
má trả tiền … bằng cả đống mồ hôi
những giọt to … tờ giấy bạc đỏ lòm
những giọt nhỏ…. tờ giấy bạc xanh mét
những giọt chưa kịp rịn … những đồng nhôm xấu xí
má mỏi nhừ cà nhắc bước đi.

Con chở má trên chiếc xe đạp cọc cà cọc cạch
về nhanh thôi có áo mới mặc rồi
má mỉm cười hạnh phúc với cái chân đau
giọng năn nỉ hãy ghé vào quán phở
ăn một chút cho má vui lòng
má có tiền mới biểu con ăn
con ơ thờ trước mùi thơm rau quế
chỉ hi hí đòi thêm tiền mua sách vở
sách đọc hoài, thân còm cõi yếu đau
ăn chút đi con khỏe má mừng.


Chiều đông chí ba ngậm ngùi làm hang đá
những trái châu chen lẫn hộp quà
cây thông này năm ấy má vừa mua
tuyết rơi kín Bết-lê-hem lạnh lẽo
tiếng chuông cầu đêm thánh ngân vang
chiếc áo trắng mùa nô-en con lại mặc
rề-vi-dông bàn bốn chỗ vắng một người
giáng sinh buồn nhớ tiếng má ngày xưa.



Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

8/ 12

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Mùa cú vọ

Sự thật là không có một ngày rảnh rỗi.
Lúc nào cũng thấy đầu tắt mặt tối, vắt giò lên cổ, không kịp thở, sất bất sang bang, chạy mệt xỉu, … Không biết tự lúc nào, đã bắt chước tụi nhỏ biện minh cho đức .. làm biếng  đang phát triển cực thịnh của mình.
Hôm nay, ngày cuối tháng 11, cũng là một ngày đẹp trời. Tra trên Wiki thấy ngày này năm xưa: Mark Twain đã chào đời (1835), Sir Winston Churchill cũng thế (1874). Và ngược lại, giáo hoàng Pius VIII  bị bỏ thuốc độc mà chết (1830), còn Nam Cao thì bị Pháp phục kích năm 1958. Đọc đến đây thấy thiêu thiếu thế nào ấy?! Đúng ra, Wiki phải cho biết 13 năm trước có kẻ dừng bước giang hồ nữa chứ.

 Đôi lứa xứng đôi hỉ!
Mười ngày trước, giỗ của mình, 20/11, thật là dzui. Được nhiều học trò tới viếng với nhiều hoa, nhiều quà … nhưng khoái nhất là được chộp hình với nhiều vĩ (hoặc dị cũng hổng chừng) nhân tương lai. 20 năm sau mà có đứa làm “ông nọ bà kia” thì bõ công đội nắng và chen lấn, thậm chí còn phải … kéo chi để được đứng làm người mẫu.


Hôm qua, thì đã xong môn tưởng tượng. Ngày mai sẽ tới môn logic chính xác. Thôi, không vì thầy Lộc, thầy Hiền … thì cũng vì ba mẹ, ráng lên mấy đứa. Thực ra, các thầy rất tốt, rất tận tình… chẳng qua tụi con thấy khó gần vậy thôi. Ráng lên hè! Mùa cú vọ mà mấy kon iu!



Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

Lập đông

Mấy hôm nay, trời đã trở lạnh. Lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, miền Trung ... là những từ khóa ngập tràn trang báo.
Sáng, giở tờ lịch, thấy hai chữ Lập đông. Hèn chi trưa hôm qua đã thấy ánh nắng lệch hẳn một góc khung cửa sổ trước nhà. Ở cái đất Sài Gòn này, thật khó cảm nhận được khí trời của mùa đông lạnh giá. Nhưng những gì của mùa đông thì vẫn thuộc về con người.
Nhớ những mùa đông Lasan Thủ Đức, nhớ mùa đông đại học Vạn Hạnh, rồi mùa đông 1999, mùa đông 2003, và mùa đông nào nữa ….
Đang đọc lại Thạch Lam. Có những ngẫu nhiên. Nhớ vú già quá! Mùa đông, mùa áo trắng!

Gió lạnh đầu mùa
Thạch Lam
[Gió đầu mùa, nxb Văn học H.1987, tr.84]
Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo cho biết trước. Vừa mới ngày hôm qua giời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng mười làm nứt nẻ đất ruộng và làm dòn khô những chiếc lá rơi. Sơn và chị chơi cỏ gà ở ngoài cánh đồng còn thấy nóng bức, chảy mồ hôi.
Thế mà qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn tung chăn tỉnh dậy, nhưng không bước xuống giường ngay như mọi khi, còn ngồi thu tay vào trong bọc, bên cạnh đứa em bé vẫn nắm tay ngủ kỹ. Chị Sơn và mẹ Sơn đã trở dậy, đang ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Sơn nhận thấy mọi người đã mặc áo rét cả rồi.
Nhìn ra ngoài sân, Sơn thấy đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo sạo. Trời không u ám, toàn một màu trắng đục. Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét.
Sơn cũng thấy lạnh, vội vơ lấy cái chăn chùm lên đầu rồi cất tiếng gọi chị. Mẹ Sơn nghe thấy, đặt chén nước chè xuống, bảo chị Lan:
- Con vào buồng lấy thúng áo ra mẹ mặc cho em đi.
Rồi quay lại bảo Sơn:
- Con sang đây mà ngồi cho ấm. Bước khéo để cho em bé ngủ.
Sơn kéo chăn lên đắp cho em, rồi co ro đứng dậy sang phản bên này, ngồi xếp bằng bên khay nước. Mẹ Sơn rót cho một chén. Sơn cầm lấy chén chè nóng ấp vào mặt, vào má cho ấm, rồi để mắt vào miệng chén cho hơi bốc lên. Bà Sơn thường vẫn bảo làm thế chóng tỉnh mắt.
Người vú già sù sù cái áo bông cánh rách, xách siêu nước từ dưới nhà lên, vừa xuýt xoa vừa nói:
- Rét quá! múc nước cóng cả tay.
Vú giơ tay hơ trên hỏa lò. Mẹ Sơn hỏi:
- Năm nay rét sớm hơn mọi năm vú nhỉ?
Người vú già ra vẻ nhớ lại, đáp:
- Cũng chẳng bằng cái năm mợ đi cân gạo bên sông. Gớm, mới rét làm sao! Sáng tôi dậy, bà sai đi chợ, cứ run lên cầm cập.
Sơn cũng nhớ cái rét năm ấy rõ rệt lắm, như mới đây thôi. Buổi sớm hôm ấy, mẹ Sơn cũng ngồi uống nước chè như sáng hôm nay và cũng lấy áo rét ra mặc.
Chị Lan tự trong buồng đi ra, khệ nệ ôm cái thúng quần áo đặt lên đầu phản. Mẹ Sơn lật cái vỉ buồm, lục đống quần áo rét. Sơn nhận ra cũng những cái áo Sơn đã mặc năm ngoái, năm kia, một cái áo vệ sinh màu nâu xẫm với một cái áo dạ khâu chỉ đỏ. Sơn cầm giơ những cái áo lên, thấy mát lạnh cả tay. Từ bộ quần áo thoảng ra hơi mốc của vải gấp lâu trong hòm, làm Sơn lại nhớ lại những buổi đầu mùa rét từ bao giờ, lâu lắm, ngày Sơn còn nhỏ.
Mẹ Sơn giơ lên một cái áo bông cánh đã cũ nhưng còn lành lặn, nói:
- Đây là áo của cô Duyên đây.
Duyên là đứa em gái bé của Sơn, chết từ năm lên bốn tuổi. Mẹ Sơn nhắc đến làm Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá. Vú già là người đã nuôi Duyên từ lúc mới đẻ, với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ:
- Giá bây giờ em nó có còn cũng chả mặc được.
Mẹ Sơn yên lặng không nói gì. Nhưng đến lúc vời Sơn lại gần để mặc áo, Sơn thấy mẹ hơi rơm rớm nước mắt.
*
* *
Sơn đã mặc xong áo ấm áp: cả cái áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại mặc phủ cái áo vải thâm dài. Sơn đứng trên giường trước mặt mẹ, đã quay đi quay lại ba, bốn lần để mẹ Sơn ngắm áo. Sau cùng, mẹ Sơn vuốt các tà áo cho phẳng phiu, rồi đẩy Sơn ra, bảo:
- Thôi, con đi chơi.
Sơn xúng xính rủ chị ra chợ chơi. Nhà Sơn ở quay lưng vào chợ, cạnh một dãy nhà lá của những người nghèo khổ mà Sơn quen biết cả vì họ vẫn vào vay mượn ở nhà Sơn. Sơn biết lũ trẻ con các gia đình ấy chắc bây giờ đương đợi mình ở cuối chợ để đánh khăng, đánh đáo.
Không phải ngày phiên nên chợ vắng không. Mấy cái quán trơ vơ lộng gió, rác bẩn rải rác lẫn với lá rụng của cây đề . Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh, và cay mắt. Nhưng chân trời trong hơn mọi hôm, những làng ở xa, Sơn thấy rõ như gần. Mặt đất rắn lại và nứt nẻ những đường nho nhỏ, kêu vang lên tanh tanh dưới dịp guốc của hai chị em.
Đến cuối chợ đã thấy lũ trẻ đang quây quần chơi nghịch. Chúng nó thấy chị em Sơn đến đều lộ vẻ vui mừng, nhưng chúng vẫn đứng xa, không dám vồ vập. Chúng như biết cái phận nghèo hèn của chúng vậy, tuy Sơn và chị vẫn thân mật chơi đùa với lũ trẻ, chứ không kiêu kỳ và khinh khỉnh như các em họ của Sơn.
Thằng Cúc, thằng Xuân, con Tý, con Túc sán gần giương mắt ngắm bộ quần áo mới của Sơn. Sơn nhận thấy chúng ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Nhưng hôm nay, môi chúng nó tím lại và, qua những áo chỗ rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng nó lại run lên, hàm răng đập vào nhau.
Thằng Xuân đến mó vào chiếc áo của Sơn, nó chưa thấy cái áo như thế bao giờ. Sơn lật vạt áo thâm, chìa áo vệ sinh và áo dạ cho cả bọn xem. Một đứa tắc lưỡi, nói:
- Cái áo này mặc thì nóng lắm. Chắc mua phải đến một đồng bạc chứ không ít, chúng mày nhỉ?
Đứa khác nói:
- Ngày trước thầy tao cũng có một cái áo như thế, về sau bán cho ông lý mất.
Con Túc ngây ngô giương mắt lên hỏi Sơn:
- Cái này cậu mua tận Hà nội phải không?
Sơn ưỡn ngực đáp:
- Ở Hà nội, chứ ở đây làm gì có. Mẹ tôi còn hẹn mua cho tôi một cái áo len nhiều tiền hơn nữa kia.
Chị Lan bỗng giơ tay vẫy một con bé, từ nãy vẫn đứng dựa vào cột quán, gọi:
- Sao không lại đây, Hiên? Lại đây chơi với tôi.
Hiên là đứa con gái bên hàng xóm, bạn chơi với Lan và Duyên. Sơn thấy chị gọi nó không lại, bước đến gần, trông thấy con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay. Chị Lan cũng đến hỏi:
- Sao áo mày rách thế, Hiên? Áo lành đâu không mặc?
Con bé bịu xịu nói:
- Hết áo rồi, chỉ còn cái này.
- Sao không bảo u mày may cho?
Sơn bấy giờ mới chợt nhớ ra là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa. Sơn thấy động lòng thương cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên ngày trước vẫn chơi cùng với Hiên, đùa nghịch ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, Sơn lại gần chị thì thầm:
- Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ.
- Ừ, phải đấy. Để chị về lấy.
Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui.
*
* *
Nhưng cái vui của Sơn không được bao lâu. Bữa cơm về tới nhà, Sơn không thấy mẹ đâu cả, hỏi vú già:
- Mợ tôi đâu hả vú?
- Chị Lan và cậu cứ ăn cơm trước đi. Mợ còn đi ăn cỗ đến trưa mới về.
Rồi vú già nhìn rõ vào mặt Sơn hỏi:
- Có phải cậu đem cho con Hiên cái áo bông cũ phải không?
Sơn ngạc nhiên đáp:
- Phải. Nhưng sao vú biết?
- Con Sinh nó nói với tôi đấy. (Sinh là đứa em họ Sơn, vẫn hay nói hỗn với vú già nên vú ấy ghét). Nó lại còn bảo hễ mợ về nó sẽ sang mách mợ cho cậu phải đòn.
Sơn lo quá, sắp ăn, bỏ đũa đứng dậy, van:
- Thế bây giờ làm thế nào, hở vú? Mợ tôi biết thì chết.
- Ai bảo cậu dại dột đem cho áo nó? Bây giờ cậu sang bảo cái Hiên trả lại thì không việc gì.
Sơn vội vàng đi ra chợ tìm Hiên nhưng không thấy con bé ở đó, đến nhà cũng không thấy ai, mẹ nó cũng không có nhà. Hai chị em lo sợ, đi ra cánh đồng tìm cũng không gặp. Gần đến buổi chiều, Sơn và chị chưa đòi được áo. Lan trách em:
- Sao em lại nghĩ đem cho nó cái áo ấy, có phải bây giờ mợ mắng chết không.
- Ai bảo chị về lấy? Nếu chị không về lấy thì em biết đâu?
Chị Lan đấu dịu:
- Thôi, bây giờ phải về nhà vậy chứ biết làm thế nào.
- Nhưng mà em sợ lắm.
Chị Lan thở dài, nắm chặt lấy tay em, an ủi:
- Đằng nào cũng phải về cơ mà. May ra có lẽ mợ không mắng đâu.
Hai chị em lo lắng, dắt nhau lẻn về nhà. Đến cửa, Sơn nghe thấy tiếng mẹ nói ở trong với tiếng một người đàn bà khác nữa, nghe quen quen. Lan dắt tay Sơn khép nép bước vào; hai chị em ngạc nhiên đứng sững ra khi thấy mẹ con Hiên đang ngồi ở cái ghế con trên đất trước mặt mẹ, tay cầm cái áo bông cũ.
Thấy hai con về, mẹ Sơn ngửng lên nhìn rồi nghiêm nghị bảo:
- Kìa, hai cô cậu đã về kia. Thế áo bông của tôi đâu mà tự tiện đem cho đấy?
Sơn sợ hãi, cúi đầu lặng im, nép vào sau lưng chị. Bác Hiên vừa cười vừa nói:
- Tôi về thấy cháu nó mặc cái áo bông tôi hỏi ngay. Nó bảo của cậu Sơn cho nó. Tôi biết cậu ở đây đùa, nên tôi phải vội vàng đem lại đây trả mợ. Thôi, bây giờ, xin phép mợ tôi về.
Mẹ Sơn hỏi:
- Con Hiên nó không có áo à?
- Bẩm nhà cháu độ này khổ lắm, chẳng để dành ra được đồng nào may áo cho con cả. Thành thử vẫn cái áo từ năm ngoài nó mặc mãi.
Mẹ Sơn với cái âu đồng lấy tiền đưa cho bác Hiên:
- Đây, tôi cho mượn năm hào cầm về mà may áo cho con.
Khi bác Hiên bước ra khỏi cửa, mẹ Sơn vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm ôm vào lòng mà bảo:
- Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?
*****

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

2010

Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2010

Thời khắc của ngàn năm

10 giờ 10 phút ngày 10 tháng 10 năm 2010.

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

Thu phân


Sau nhiều năm, mới có một đêm trung thu không mưa. Tuy không thấy được trăng tròn nhưng như vậy cũng là quá đủ cho một Sài Gòn tấp nập thêm lòng vòng bởi những cung đường mãi chờ xe.
Chiều nay, tổ chức vui chơi và sinh nhật tháng 9. Lớp năm nay, quậy dữ, quậy đến nỗi em-xì Thu cũng thét lên là “tụt qóa!”. Vì quá sa đà vào mấy cái trò kéo quần tới v. nhảy lưng tưng hay bụm mông chạy hết hành lang … nên cuối cùng phần tặng quà sinh nhật diễn ra giống cảnh trao cúp Nữ thần vàng năm 1950 vậy. Xin lỗi mấy đứa về việc phát quà kiểu này!
Sau khi vội vã phát quà, cả lớp kéo xuống sân để chơi trận bán kết bóng rỗ giải HKPĐ. Chiều nay lớp đánh hay hơn tuần trước. Có lẽ gặp đối thủ ngang cơ nên tụi nó hết chủ quan như hôm gặp mấy nhóc lớp 10. Hi vọng tuần sau cũng tốt như vậy!
Như vậy là đã hai tháng kể từ ngày nhận mấy con chó con này! Thầy -trò cũng chưa thấy gì nổi trội, có lẽ vẫn còn ở dạng tiềm năng.
….
Tụi gà con đã đủ lông đủ cánh nhưng vẫn nhớn nhác tìm vìa chuồng cũ. Tội! Sinh nhật tôi đã qua hai ngày mà không ai nhớ hết! Cả tui cũng thế!
http://chuyentrandainghia.blogspot.com/2009/09/20092009-trung-sinh-ngay-mo-blog.html
 Thôi muộn cũng được! Mừng thôi nôi của tdner! Yee...e!


Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010

Only 4 MLL

Tin mới nhất về Mít-tờ Lịch Lãm.

          11:48 trưa nay, tổng đài chuyentrandainghia ghi nhận được tín hiệu mobifone bay từ Cao Thắng qua Lê Văn Sỹ như sau:

0903.3671..: A lô!

0908.0100..: A lô!

0903.3671..: Ủa! Thằng em tui sao rồi cô!

0908.0100..: Dạ sáng nay mới đưa vào mổ anh à!

0903.3671..: Vậy nó ở phòng nào để tui vào chửi nó cho đỡ buồn chút coi!

0908.0100..: Dạ ảnh còn ở trong phòng mổ chưa ra phòng hồi sức anh à!

0903.3671..: Vậy chừng nào tui mới dô được?

0908.0100..: Dạ cũng chưa biết nữa anh, chắc phải chiều mới biết!

0903.3671..: Ừ, cũng được! Cho nó tỉnh táo chút rồi mai dô quậy cũng được. Nhắn với nó là có một đống bác sĩ đang hội chẩn cho nó đó! Còn gửi “toa thuốc” nữa nè !

0908.0100..: Dạ cám ơn anh!
  ~ * ~


      Dưới đây là kết quả hội chẩn và toa thuốc của đống bác sĩ , y tá, hộ lý ... đó:

Toa thuốc 1

Toa thuốc 2
 

Thứ Năm, 5 tháng 8, 2010

Chúc mừng các thầy cô giáo sinh!

Hôm nay, Lễ tốt nghiệp và ra trường cho sinh viên năm IV, Đại học Sư phạm TPHCM.
Trân trọng, chúc mừng quý thầy cô giáo sinh đã thực tập giảng dạy tại 11A2:

- Cô Lâm Thị Bích Huệ
- Thầy Lê Long Biên
- Cô Nguyễn Hà Vi
- Cô Nguyễn Thị Mộng Tuyền

Chúc quý thầy cô nhiều sức khỏe, thành đạt và yêu nghề !

~~~~~~~~~~
(Upg 22:30)
9g30 các ngả đường đổ về ĐHSP rộn ràng tiếng nói cười.

Nhà thi đấu là trung tâm chính của ngày tốt nghiệp

Trò yêu Đặng Thị Thảo Nguyên, TĐNer 2003-2006, tốt nghiệp khoa Anh loại giỏi



Thầy Lê Long Biên và cô Lâm Thị Bích Huệ nhận bằng tốt nghiệp từ Trưởng khoa, PGS.TS Ngô Minh Oanh

PGS. TS Trịnh Sâm, Trưởng khoa Ngữ văn, và cô Nguyễn Hà Vi

Cô Nguyễn Thị Mộng Tuyền

He he! Lão nông này từ dưới quê lên ủng hộ cho chú Biên nè!

Mẹ của cô Vi và mẹ của cô Tuyền trong ngày vui nhiều hạnh phúc


Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Một ngày nhiều cảm xúc

Sáng sớm, mở mạng để xem kết quả Tour de France 2010. Thở phào nhẹ nhõm, Radio Shack non trẻ dưới sự dẫn dắt của L.A đã về nhất giải đồng đội. Tuy hơi tiếc cho L.A sau khi bị té quá sớm ở chặng 8, nhưng như vậy cũng quá ư là hãnh diện. Nhớ cái thằng L.A ở Trần Đại Nghĩa. Tròn bốn tháng rồi. Hứa với nó, sẽ cố lo được Phương Anh và Nguyên Thảo!

Không nhớ từ năm nào, ngày tựu trường của khối 6 luôn mang đến những tâm trạng thật khó tả. Trước ngày thi, bọn nhỏ đã hẹn nhau gặp tại cột cờ để thanh toán đại ác nhân. Thế mà sáng nay, những thích khách chuyên nghiệp ấy đã chết lả tả trên đường vạn lý. Gần 40 đứa, giờ đếm lại chỉ con 7 mống mà thôi. Thành quả sau một năm chửi bới, hành hạ tụi con nít. Tung tăng hay ngơ ngác, hớn hở hay mệt nhoài. Ráng lên các con!


Hôm nay, chiếc xà lan ọp ẹp đã không còn ở vị trí cũ nữa. Nó đã trôi về phía hạ nguồn. Giang sơn đã thay đổi. Buồn nhưng thà vậy còn hơn ở trong cái chuồng cũ mà nhớ tụi gà con.


Chiều, bà bác sĩ trẻ sau khi quát tháo um sùm nở một nụ cười: “Khỏe rồi, về lo cho hai mạng kia đi!”. Hà hà! Đâu có dễ gục lên súng mũ bỏ quên đời! Trời già ghen tỵ, cho đau thương phải nhận phần thương đau chớ!


Tối. 22:19. Khanh Tran ne thay, con dau ngoai thuong roi thay oi! Nho mon cua thay do, mai mot con ve thay nho thuong nha! Bố nó! Câu đầu nghe được, câu thứ hai thấy tự ái mà còn lỗ vốn nữa. Sao mi không nói là nhờ thầy mà nói nhờ môn của thầy! Thấy ghét! Nhắn lại liền: “U, mai mot ve thay thuong!”. Đứa nào về đòi thưởng thì cứ trả lời là thầy thương được ràu!


23:10. … cho con xin mot loi khuyen. Ừ, sẵn sàng.

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010

Lớp 11A2, lớp thầy Djinh

Mấy ngày nay lu bu quá không chek mail được, hôm nay mở ra. Thật ngỡ ngàng! Xin giới thiệu bài viết của pnnnguyen, một thần dân tdn, một người bạn láng giềng của A2.

“Điều hôm nay ta nói ngày mai
Người khác lại nói lời yêu thuở trước
Đời sống chẳng vô cùng, em biết
Và câu thơ đâu còn mãi ngày sau.”
(Xuân Quỳnh)
Những lời yêu thương xin ta đừng giữ cho riêng mình…


Lớp 11A2 thân mến,
Ấn tượng của tôi về lớp được bắt đầu vào ngày 20 tháng 11. Hình ảnh dẫu thoáng qua thôi nhưng vẫn khiến tôi nhớ mãi.

Lần thứ hai, 11A2 làm tôi mong chờ là trong lễ kỉ niệm 10 năm thành lập trường, với liên khúc: “Hành khúc Vinh quang Trần Đại Nghĩa - Thành phố mười mùa hoa” của các bạn. Một tiết mục làm lòng tôi xốn xao, thầm biết ơn và ngưỡng mộ những thành viên làm nên nó.

Và tôi đến với 11A2 lần thứ ba qua trang web của thầy Djinh. Thật may mắn tôi phát hiện ra trang web của thầy vào một ngày tháng 10, để rồi sau đó thì biết đến “Thế giới của bảy chú lùn và những nàng Bạch Tuyết”. Nhờ có trang web của thầy, tôi mới thật sự biết hơn nhiều điều về 11A2.

Không hiểu hết, nhưng trong mắt tôi, 11A2 là một tập thể thật đáng yêu dưới mái nhà chung Trần Đại Nghĩa.

Các bạn 11A2 thân mến!

Lời đầu tiên tôi muốn nói với Diễm Hà. Diễm Hà ơi tôi cảm ơn bạn vì đã hiểu cho lòng tôi mà không trách gì tôi. Không ngờ sau lần đầu đọc nhận xét, rồi ngay lập tức mong muốn đăng nhận xét đó, tôi với Hà lại làm bạn luôn ha. Có một lần tôi bảo em họ nhỏ hơn tôi năm tuổi nên có kế hoạch học tập thế này thế nọ thì mẹ nó đã tỏ vẻ không thích, mà sao Hà vẫn vui vẻ trước những điều lảm nhảm của tôi. Tôi từng bị “tai nạn” nhiều lần vì cái tật hay chia sẻ quá trớn những điều mình suy nghĩ. Bởi vì tôi sai thôi. Nhưng nói chuyện với bạn, thấy bạn đã hiểu giùm tôi.

Diễm Hà ơi tôi cảm ơn Diễm Hà vì bài viết “Sinh học và cái thú”. Tôi thích câu kết: “Đầu tiên là phải dẹp bỏ mấy tư tưởng buồn ảo não, điên rồ của tôi đi.” Tâm hồn thanh niên nào cũng nhiều ưu tư. Nhưng người ta làm được thì hà cớ gì mình không làm được, Hà làm được thì sao tôi không làm được, Hà ha. Và tôi biết rằng tôi còn phải kiên cường hơn nữa.

Tôi muốn nói với Mỹ Dung, DeJinh rằng trong các giọng văn của 11A2, tôi rất yêu mến giọng văn của bạn: hóm hỉnh và sâu lắng, tếu táo mà thiết tha. Tôi thích bài “Vì sao?”, thích bài “Lời tri ân” và đặc biệt thích bài “Lời tri ân quý thầy cô giáo sinh”. Một bài viết đến giờ vẫn còn để lại dư âm xao động trong lòng tôi, Dung à. Cảm ơn bạn nha.

Và tôi muốn gửi lời đến Trang Chi. Thật sự lúc đọc hai bài thơ của Chi trên tập san Nét bút học trò tôi đã dừng lại lâu hơn, vì một hơi văn khang khác và đọc thấy quen quen. Vậy là 11A2 có cô nữ sinh tên Trang Chi. Một bài sử dụng thi liệu truyền thống, một bài lại toàn từ ngữ thời công nghệ thông tin, cũng ngộ quá ha. Tự nhiên sau cả học kì rộn rã tất bật lại có những phút giây tĩnh lặng đến thành thơ sao. Tĩnh lặng không phải là không có âm thanh. Người ít nói chưa chắc sẽ biết tạo khoảng lặng. Người hay líu lo chưa hẳn là không có chiều sâu và khoảng trống vừa đủ. Ai rồi cũng sẽ có lúc cần đến những khoảng lặng có phải như vậy không Trang Chi, khó hiểu quá hà.

Và nói với Thanh Ngân. Khi nhỏ bạn 11A5 tham gia chiến dịch Hoa phượng đỏ đăng hình những hoạt động, bạn đã hỏi tôi rất nhiều về lịch trình, địa điểm, thời gian, đăng kí với ai… Bạn còn hỏi nick yahoo của tôi để tiện bề liên lạc và cập nhật tin tức. (Bạn có biết tôi lúc đi lúc không không). Tôi nghe bạn tâm sự nhìn hình tụi tôi mà bạn thấy tiếc hùi hụi như thế nào, biết bạn đã mê những anh chị mùa hè xanh từ hồi nhỏ, biết bạn thích làm những chuyện này vì “mình đã lớn rồi” (là bạn lớn rồi ấy). Bây giờ thì bạn đã thoả ước mơ của mình chưa? Đừng nuối tiếc nhiều nghen.

Tôi thích khoảnh khắc nữ giới được vinh danh và tôi muốn gửi lời đến Kì Duyên rằng: “Duyên ơi, bạn giỏi quá đi mất!” Chúc bạn mãi giữ vững phong độ nhé.

Tôi thích Dạ Thảo đã học từng học chung với tôi, thích những vở kịch của Thảo. Bây giờ bà vẫn phát huy khả năng đạo diễn của mình chứ?

Lớp thầy Djinh-lớp 11A2 thân mến,

Tôi lặng người nhìn cách các bạn yêu những cô giáo dạy văn tương lai.

Tôi ghen tị nhìn các thầy cô giáo sinh rơi nước mắt ngày tạm biệt lớp các bạn.

Tôi xấu hổ vì chúng tôi đã không thể mang lại cho các thầy cô thực tập chủ nhiệm dìu dắt chúng tôi suốt hơn tháng trời những giờ phút chia tay đáng nhớ, tưng bừng và luyến lưu như các bạn đã làm.

Tôi chạnh lòng giá gì mình cũng được làm báo mỗi dịp 20 về, cũng được đọc các bài viết của lớp mình, cũng được…Nhiều thứ mà nếu bắt gặp vào hai ba năm trước tôi đã không thèm khát như thế trước khi lấy lại niềm tin của mình vào văn học và học văn.

Dẫu biết rằng “Trọng đạo tôn sư”, dẫu tôi không cho phép mình so sánh vì không nên như thế.

Nhưng có những phút giây tôi thầm rất mong gặp lại và học văn với thầy Djinh. Gặp lại những bài học mang theo tất cả chiều sâu và chiều rộng, với những đúc kết thấm thía mang sức nặng của cả quá trình chiêm nghiệm bằng chính thầy trong cuộc sống.

Thầy là người giáo viên Ngữ Văn duy nhất trong trái tim tôi.

Cũng như các bạn, tôi yêu thầy Djinh. Tôi quyến luyến thầy Djinh. Tôi hạnh phúc khi thầy Djinh đi ngang lớp tôi và trìu mến ngoái nhìn bao bè bạn giỏi giang dễ thương, khi một buổi chiều nọ thầy bất ngờ vào lớp để chào bốn mươi gương mặt, hạnh phúc khi thầy dắt chúng tôi qua hội trại chín tháng giêng. Tôi sung sướng khi gặp thầy. Tôi tìm đến thầy trước những “trận đánh lớn”. Tôi kính tặng thầy những thành quả học tập. Và cũng như các bạn, tôi gọi tên thầy là công dân Trần Đại Nghĩa.

Trần Đại Nghĩa - máu thịt thân thương của tôi. Nơi tôi học, tôi ăn, tôi ngủ, tôi chơi. Nơi tôi nợ một phần con người mình. Nơi hình thành và làm đầy đủ thêm cho nhân sinh quan của tôi.

Bên cạnh lớp học ấm áp hằng ngày, hình ảnh về thầy Djinh và lớp thầy Djinh-lớp 11A2 là một hình ảnh tuyệt đẹp mà tôi vinh dự được chiêm ngưỡng và khắc ghi như một hành trang cho tôi trên đường đời sau này.

Từ tận đáy lòng tôi, tôi cảm ơn thầy Djinh.

Từ tận đáy lòng tôi, tôi mong các bạn sẽ biết và giữ mãi những điều đáng yêu của mình nhé.

Thầy kính mến,

Mùa hè vừa qua, con đã không thực hiện lời thầy dặn là đi tập thể thao cho cứng lên. Không thể lấy lí do là con bận, chỉ vì con đã không lựa chọn nó để đầu tư. Khi vào đại học, nhất định con sẽ chơi thế thao. Còn ngay từ bây giờ, con sẽ cố gắng rắn rỏi hơn. Con biết trễ hơn điều mà các bạn biết từ lâu. Nhưng vẫn có thể cảm nhận cách thầy mạnh mẽ và lạc quan vượt qua những buồn vui sướng khổ trên cuộc đời. Không có đẳng cấp để “điên”, không có sức mạnh để “ác,” không có nghệ thuật để “lúc nào cũng cười nham nhở” như cách thầy nói, nhưng con sẽ nhìn vào thầy mà nhắc nhở mình phải sống như thế nào.
11A2 thân mến,
Chúng tôi sẽ bắt chước các bạn làm nên nhiều điều hơn, mang lại cho tất cả những người lái đò lớp tôi nhiều niềm vui và bất ngờ hơn. Nếu giáo viên chủ nhiệm là thầy Djinh, có lẽ chúng tôi sẽ có thêm sức mạnh. Nhưng nếu không được như thế, tôi lại càng nên xem đấy là cơ hội để năng động, độc lập, sáng tạo hơn, để bớt cứng nhắc chỉ chực khóc đi, có phải như vậy không?
Lớp 11A2-lớp thầy Djinh à,

Cảm ơn các bạn đã ở trong lòng tôi.
Mến chúc các bạn một năm học mới với những thành công mới.
Thương.
Thân chia sẻ với các bạn những dòng này:
“Ngoéo tay nhau cùng nô nức cánh diều, qua núi qua sông đến chân trời kiến thức.
Trong trẻo tuổi xuân, nhựa căng lồng ngực, là phép màu diệu kì của công trình khoa học ngày mai…
Tuổi mới lớn chân mang những chiếc hài, sải bước thần kì vươn mình Phù Đổng.
Xoè bàn tay! Mỗi ngày bạn có nghe thơm giọt mồ hôi lao động?
Góp tay xinh thắp giấc mơ cuộc sống.
Lung linh tuổi mới từ hôm nay…”
( lời ban biên tập báo Khăn Quàng Đỏ).

Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2010

Chào đón một tân vương!

Đêm nay, những người hâm mộ bóng đá trên thế giới sẽ hướng về Soccer city ở Johannesburg để chứng kiến chủ nhân thứ sáu của chiếc cúp vàng 36 tuổi.


Còn đối với những ai yêu tự do trên cõi đời này, họ cũng sẽ thức đến 01:30 GMT + 7 để xem chủ nhân của con số 46664 ngày nào ra sao.
27 năm ngồi tù, chống chế độ apartheid, đòi tự do cho người da đen

Tất cả những thông tin hiện thời đều nghiêng về những người Y-pha-nho. Và như vậy, con thuyền Ni-đức-lan tuy cập mũi Hảo Vọng đầu tiên nhưng chẳng được mấy ai ủng hộ.
Hãy xem một số thông tin:

- Hệ thống phân tích của FIFA Castrol Index dự đoán TBN có 57% cơ hội thắng, Hà Lan có 43%.
- Hãng AP ngày 9.7, đưa tin lão tiên tri tên Paul đã dự đoán đội quân bò tót sẽ giẫm nát những cành hoa tulip.

- Trước khi World Cup diễn ra, HLV Argentina huyền thoại Luis Cesar Menotti phát biểu: “Tây Ban Nha là đội bóng gần nhất với cái đẹp”.

- Johan Cruyff nói trước trận chung kết: “Tây Ban Nha là phiên bản của Barca, là thông điệp tuyệt vời nhất của bóng đá. Giờ mọi đội bóng đều muốn giống như Tây Ban Nha". Còn Ronald Koeman, van Nistelrooy - những danh thủ Hà Lan gần đây- cũng chọn Spain ở cửa trên.

- Ở Việt Nam, thầy “Tô” bảo: Cầu thủ Tây Ban Nha kĩ thuật hơn, và nhanh nhẹn, sáng tạo hơn, nên khả năng chiến thắng cũng cao hơn”.


Còn tui?

Trong khoảng hai thập niên gần đây, người Tây Ban Nha đã chơi nhiều trận chung kết lớn. Ở Champions league là Barca năm 93, 2006, 2009, là Real 98, 2000, 2002; ở Uefa cup là Valencia 2004, Sevilla 2006, 2007, A. Madrid 2010. Tuyển TBN đang là đương kim vô địch châu Âu, xếp hạng 2 FIFA World ranking với 1565 điểm. Đó là một lợi thế rất lớn. Còn trong từng ấy thời gian, người Hà Lan chỉ có được 1 cúp C1 năm 95 và hai cúp C3 mà thôi. Họ đang đứng thứ 4 WR với 1231 điểm.

Thế nhưng, Cruyff mới là người đưa Barca lên đỉnh vinh quang của những năm 70 của thế kỷ trước. Chiếc cúp C1 đầu tiên của Barca có được là nhờ cú sút như trái phá của Ronald Koeman, chiếc cúp C1 thứ hai do F. Rjikaak dẫn dắt. Chiếc cúp thứ ba là do Pep Guardiola, một người Catalan chánh gốc đem về, nhưng Pep lại chính là học trò của Cruyff. Luis van Gal, van Nistelrooy, Philip Cocu, Patrick Kluivert, anh em nhà de Boar ... là những người Hà Lan làm cho bóng đá TBN nở mặt ở câu lạc bộ. Nói như thế có nghĩa rằng, Hà Lan có những con người chơi bóng thật sự dù thành tích của họ giờ kém xa Tây Ban Nha, kém Real, Barca, Atletico ...


Tui thích Del Bosque hơn Bert Van Marwijk, tui thích Cesc Fàbregas hơn Robin van Persi .... nhưng tui sẽ chọn Hà Lan đăng quang trong trận cầu này. Kẻ thất bại vĩ đại - tình yêu của tôi từ những ngày mon men với trái banh mủ - hãy tiến lên vì cảm thương của một dân tộc!


Tui yêu Rensenbrink, yêu bộ tứ Ruud Gullit- Marco van Basten- Frank Rjikaard-Ronand Koeman, tui yêu Dennis Bergkamp và giờ đây là một Nigel de Jong vụng về và thầm lặng.
Chiếc áo số 13 của André Ooijer tại France 98.
Năm nay, cựu binh này đã 36 tuổi, ngồi dự bị và chỉ chơi một trận với Brasil.


Đêm nay, Goya, Picasso so cọ cùng van Gogh, Rembrandt.  Cervantes sẽ bảo Don Kihote cưỡi ngựa đâm vào cối xay gió của xứ sở uất kim hương. Điệu Flamengo của Lorca sẽ làm đắm say lòng người. Nhưng ... những vũng lầy dưới mực nước biển cũng đang chờ vị tân vương có bản lĩnh bước qua.